Khám thai định kỳ giúp thai phụ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé; phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường xảy ra. Ngoài ra thai phụ còn có cơ hội được tư vấn chăm sóc sức khỏe đúng cách để em phát triển một cách toàn diện nhất trong bụng mẹ.
TẠI SAO NÊN KHÁM THAI ĐỊNH KỲ?
Khám thai định kỳ vô cùng cần thiết trong quá trình mang thai bởi vì:
- Giúp thai phụ theo dõi được quá trình phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai
- Thai phụ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh.
- Thai phụ được hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm đúng thời điểm, đúng mục đích và hiệu quả nhất.
- Phát hiện và xử lý kịp thời các tai biến sản khoa nguy hiểm nếu có.
Một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng những mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong của thai nhi xuống gấp 5 lần so với những mẹ bầu không khám thai. Ngoài ra, tỷ lệ các bé sinh ra từ mẹ bầu không khám thai có trọng lượng nhẹ hơn so với mẹ bầu thường xuyên khám thai.
LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ:
- Khám lần đầu: Ngay sau khi phát hiện có thai hoăc nghi ngờ có thai.
- Khám lần 2 lúc thai được 7 – 9 tuần.
- Khám lần 3 lúc thai được 11 – 13 tuần 6 ngày.
- Sau đó, mỗi tháng khám 1 lần cho đến khi thai được 28 tuần.
- Sau đó, mỗi 2 tuần khám 1 lần cho đến khi thai được 37 tuần.
- Sau đó, mỗi tuần khám 1 lần cho đến khi sinh.
Lưu ý:
+ Lịch khám sẽ thay đổi khi có bất thường phát hiện được trong quá trình khám và theo dõi thai.
+ Khi có dấu hiệu bất thường, thai phụ cần khám lại ngay mà không chờ đến lịch hẹn định kỳ.
NỘI DUNG KHÁM THAI:
1. Quý 1 thai kỳ (thai < 14 tuần):
1.1. Trong lần khám đầu tiên:
- Khám tổng quát sức khỏe mẹ.
- Siêu âm bằng đầu dò âm đạo: Xác định có thai, vị trí thai làm tổ.
- Xét nghiệm tổng quát:
+ Huyết đồ, nhóm máu (ABO và Rh).
+ HBsAg, VDRL, antiHIV.
+ Rubella (IgM/IgG), CMV (IgM/IgG), Toxoplasma (IgM/IgG).
+ Đường máu.
+ Phân tích nước tiểu.
1.2. Thời điểm thai 7 – 9 tuần:
- Siêu âm đầu dò âm đạo để xác định tuổi thai và số lượng thai, các bất thường sớm của thai.
1.3. Thời điểm thai ≥ 9 tuần:
- Xét nghiệm NIPT để tầm soát dị tật thai do lệch bội nhiễm sắc thể (Khả năng phát hiện hội chứng Down đạt 99%). Có thể phối hợp tầm soát thai phụ mang gen ẩn Thalassemia cùng với NIPT.
1.4. Thời điểm thai 11 – 13 tuần 6 ngày:
- Siêu âm khoảng mờ da gáy.
- Xét nghiệm Double test để tầm soát dị tật thai do lệch bội nhiễm sắc thể nếu không thực hiện NIPT (Khả năng phát hiện hội chứng Down của Double test + Siêu âm khoảng mờ da gáy đạt 85%).
2. Quý 2 thai kỳ (thai 14 tuần – 27 tuần 6 ngày):
- Khám sức khỏe tổng quát mẹ.
- Theo dõi sự phát triển thai và sức khỏe thai.
2.1. Thời điểm thai 16 – 19 tuần:
- Xét nghiệm Triple test để tầm soát dị tật thai do lệch bội nhiễm sắc thể nếu không thực hiện NIPT và chưa thực hiện Douple test (Khả năng phát hiện hội chứng Down của Triple test đạt 60%).
- Tư vấn tiêm VAT 1.
2.2. Thời điểm thai 19 – 21 tuần:
- Siêu âm đầu dò âm đạo đo chiều dài cổ tử cung để dự báo sinh non.
2.3. Thời điểm thai 21 – 24 tuần:
- Siêu âm 4D khảo sát hình thái thai.
- Tư vấn tiêm VAT 2.
2.4. Thời điểm thai 24 – 28 tuần:
- Thực hiện test dung nạp đường tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
- Xét nghiệm định lượng DNA HBV nếu thai phụ có nhiễm virus viêm gan B.
3. Quý 3 thai kỳ (thai ≥ 28 tuần):
- Khám sức khỏe tổng quát mẹ.
- Theo dõi sự phát triển thai và sức khỏe thai.
3.1. Thời điểm 32 – 34 tuần:
- Siêu âm Doppler thai đánh giá sức khỏe thai.
- Đo CTG (monitoring sản khoa) theo dõi nhịp tim thai trong trường hợp thai kỳ nguy cơ cao.
3.2. Thời điểm 35 – 37 tuần:
- Siêu âm Doppler thai đánh giá sức khỏe thaisự phát triển thai .
- Đo CTG thường quy mỗi 2 tuần.
- Xét nghiệm Streptococcus B để điều trị dự phòng nhiễm trùng sơ sinh ngay trước khi chuyển dạ (nếu xét nghiệm dương tính).
3.3. Thời điểm thai > 37 tuần:
- Siêu âm Doppler thai đánh giá sức khỏe thai và sự phát triển thai.
- Đo CTG thường quy mỗi tuần.
Lưu ý: Trong những trường hợp đặc biệt, có bất thường sức khỏe mẹ hoăc thai, nội dung thăm khám thai sẽ có thay đổi theo chỉ định của bác sĩ.