Trong suốt thời gian phát động cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” của phụ nữ đắk lắk năm 2023 do Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức, BGK đã nhận được hàng trăm bài dự thi của các thí sinh từ các xã, huyện trên địa bàn tỉnh gửi về.
Sau nhiều lần đánh giá chuyên môn, nhận xét về các ý tưởng sáng tạo và đổi mới trên từng dự án khởi nghiệp, BGK đã chọn ra được 36 dự án nổi bật nhất đưa vào vòng chung kết.
Ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” của phụ nữ Đắk Lắk năm 2023 (gồm 2 phần thi: Thuyết minh ngày 22/5 và Chinh phục ngày 02/06)
Nguồn ảnh: ThS. Nguyễn Thị Thảo - Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk
Hầu hết các dự án đều do cá nhân chị em phụ nữ hoặc hội LHPN xã/huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện. Các dự án đa số thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt hoặc chăn nuôi như nuôi gà thảo dược, nuôi yến, nuôi ếch, trồng nhãn, bơ,…
Bên cạnh đó, nhiều chị em mang đến cuộc thi những nét truyền thống văn hoá dân tộc thiểu số như sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê – đê; sản xuất kinh doanh rượu cần nhằm duy trì văn hoá truyền thống dân tộc, lưu giữ công thức làm men ủ rượu cần, một nét văn hoá hiện đang dần mai một do cạn kiệt về nguyên liệu, đồng thời cũng tạo ra công ăn việc làm cho nhiều nhân công trong buôn làng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk – Bà Tô Thị Tâm cho biết: Bài thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” của Phụ nữ Đắk Lắk năm 2023 của chị em phụ nữ năm nay có sự chuẩn bị, đầu tư rất kỹ lưỡng từ nội dung bài viết đến hình ảnh, video. Trên thực tế có nhiều chị em đã đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất, mang sản phẩm đến cuộc thi để quảng bá sản phẩm và cũng đã đem lại lợi nhuận đáng kể, đặc biệt các chị em đã biết áp dụng các công nghệ máy móc hiện đại để tối ưu trong sản xuất. Tôi đánh giá cao các sản phẩm đã có mặt trên thị trường của chị em, bên cạnh đó cũng có rất nhiều dự án mang tính nhân văn, vì cộng đồng, mục đích tạo ra công ăn việc làm cho chị em phụ nữ nói riêng và bà con, người trẻ không có công ăn việc làm, người khuyết tật trên địa bàn nói chung.
Về quy chế dự án thì có hạn nhưng dự án tiềm năng lại rất nhiều, đối với dự án tiềm năng của các chị em không đủ điều kiện vào vòng trong, nếu chị em có nhu cầu về nguồn vốn, Hội LHPN sẽ hỗ trợ kết nối chị em đến Ngân hàng chính sách và một số ngân hàng khác để có phương án tiếp cận về nguồn vốn hỗ trợ chị em trong kinh doanh”.
Với thời buổi phát triển cả về mặt xã hội tư tưởng, văn hóa như hiện nay, rất nhiều chị em phụ nữ nông thôn đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển cho bản thân mình. Có thể nói, phụ nữ nông thôn khởi nghiệp là xu hướng mới của thời đại 5.0, phụ nữ nông thôn đang nỗ lực từng ngày vươn lên tìm kiếm vị thế của mình trong xã hội.
Thạc sỹ Lương Thị Thuý Anh – Chủ tịch Học viện Huấn luyện Năng suất PCA (BGK) đã có đánh giá từ góc độ chuyên môn rằng: “Các thí sinh tham gia hầu hết là các chị em phụ nữ khởi nghiệp từ nghề truyền thống hoặc từ tâm huyết với một sản phẩm đặc thù. Chính vì vậy chị em chưa biết cách xây dựng một mô hình kinh doanh bài bản, đặc biệt cách để xây dựng thương hiệu và lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của mình…
Vì kinh doanh tự phát, vốn liếng chỉ là tâm huyết và bằng kinh nghiệm tự học hỏi nên việc chị em có thể xây dựng đựng một kế hoạch tài chính và kế hoạch Maketing rõ ràng hiệu quả là khó khăn với hầu hết các chị em.
Về điều này, BTC cũng đã có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về mặt chuyên môn cho các thí sinh đi tiếp vào các vòng thi tiếp theo, để các chị em có thể được nâng cao kỹ năng hoàn thiện về kiến thức áp dụng vào dự án thực tế của mình cũng như xây dựng chuẩn bị bài thi tốt hơn cho Phần Chinh Phục của Vòng Thi Chung Kết.”
Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên không chỉ phát triển cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su..., mà còn mở rộng ra các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, mít Thái, chanh leo...
Bên cạnh đó, với nguồn kiến thức thực tế được tích luỹ qua nhiều năm làm nông nghiệp, các thành viên của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã biết cách linh hoạt thử sức với nhiều loại cây trồng khác như dâu tây (Lâm Đồng), nhãn Hương Chi (Hưng Yên), bưởi da xanh (Bến Tre) ngay trên mảnh đất màu mỡ của Đắk Lắk. Đồng thời nhiều chị em cũng thử sức với các mô hình chăn nuôi mới như nuôi ếch sinh sản tự nhiên, chăn nuôi gà thảo dược, nuôi yến,..
Mỗi giống cây sẽ có những đặc điểm riêng về môi trường sống như khí hậu, thổ nhưỡng,…bằng sự sáng tạo và đổi mới, nhiều hộ kinh doanh tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã trồng thành công nhiều giống cây có nguồn gốc từ Bắc vào Nam, với nhiều đặc điểm sinh trưởng khác nhau.
Với các chị em phụ nữ ở vùng nông thôn như Đắk Lắk, khởi nghiệp là cơ hội thoát nghèo của nhiều chị em, là khao khát thoát khỏi cuộc sống cơ cực, giúp gia đình ổn định cuộc sống, là ước mơ chăm lo cho con cái ăn học thành tài, là vượt qua rào cảng để khẳng định bản thân,… Chính những điều này đã thôi thúc chị em cần thực hiện ngay những ý tưởng khởi nghiệp còn dang dở trong đầu, mong muốn cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Hình ảnh người phụ nữ vốn có tiềm năng mạnh mẽ và nghị lực phi thường. Khi chị em phụ nữ tự trau dồi kiến thức chính là một cách nâng cấp cho bản thân. Mặt khác, khởi nghiệp thành công cũng là bước giúp chị em khẳng định được vị trí và giá trị của bản thân trong gia đình.