Vinaora Nivo Slider 3.x

Với tinh thần chịu khó học hỏi, sự kiên nhẫn và sáng tạo, nhiều bạn sinh viên đã mạnh dạn khởi nghiệp với những đề tài, dự án ý nghĩa, bước đầu mang lại hiệu quả ứng dụng thiết thực.

Khởi nghiệp với sâm đá Chư Yang Sin

Nhận thấy sâm đá có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe con người, năm 2021 nhóm 5 sinh viên: Ngô Quang Phúc, Phạm Quốc Long, Nguyễn Anh Tuấn, Lưu Thanh Nam, Phạm Thị Ngọc Diễm (sinh viên lớp Công nghệ thực phẩm K21, Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) đã nghiên cứu và phát triển dự án "Sản xuất các sản phẩm từ sâm đá Chư Yang Sin".

Đây là dự án sản xuất các sản phẩm tiện lợi như nước uống sâm đá, trà túi lọc sâm đá, bột sâm đá... từ nguồn nguyên liệu được trồng ở vùng đệm Chư Yang Sin nhằm bảo tồn giống cây sâm đá đặc trưng của người bản địa, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng nông thôn.

Bên cạnh nguyên liệu chính là sâm đá, sản phẩm còn được kết hợp cùng các nguyên liệu tốt cho sức khỏe khác như: nấm linh chi, táo đỏ, nấm đông trùng hạ thảo, quế… với tỷ lệ phù hợp để vừa đảm bảo tính chất dược liệu vừa có vị ngon, dễ sử dụng.

Nhóm sinh viên khởi nghiệp với sâm đá Chư Yang Sin giới thiệu sản phẩm.

Em Ngô Quang Phúc chia sẻ: “Trong 2 năm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm, chúng em gặp một số khó khăn về thời gian và nguồn kinh phí. Vì còn đi học nên em và các bạn phải cân bằng giữa việc học và làm, ngoài ra kinh phí sản xuất đôi khi thiếu hụt bởi nguồn vốn chủ yếu là tiền do các thành viên tự đóng góp. Trong thời gian tới, chúng em sẽ tăng cường việc quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng điện tử, Facebook, Tik Tok… để thu hút khách hàng và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhóm em sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới như bánh, kẹo từ sâm đá để tăng sự phong phú, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận với bộ phận người tiêu dùng trẻ, từng bước đưa sản phẩm sâm đá trở thành sâm của người Việt”.

Với sự độc đáo và sáng tạo, dự án của nhóm đã đạt được nhiều giải thưởng như giải Nhất trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Tây Nguyên năm 2022; lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2023… Trong tháng 10/2023, nhóm sẽ tiếp tục đưa dự án dự thi vòng chung kết toàn quốc cuộc thi này.

Sáng tạo thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Trong sản xuất nông nghiệp, một trong những khó khăn mà người nông dân thường gặp là việc kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ môi trường sao cho phù hợp với từng loại cây trồng, trong khi các loại thiết bị hỗ trợ sản xuất có giá khá cao. Nhận thấy điều đó, sau 2 năm nghiên cứu, năm 2022, nhóm 5 bạn: Lương Thị Thúy, Phương Thị Hằng, Hoàng Ngọc Trung Nguyên, Đinh Trung Đức và Nguyễn Thị Mai Uyên (sinh viên ngành Sư phạm vật lý, Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên) đã chế tạo ra thiết bị hỗ trợ canh tác nông nghiệp “IOT - bạn của nhà nông”, hỗ trợ người nông dân trong việc tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho cây trồng.

Thiết bị có cấu tạo bao gồm các bo mạch; màn hình LED hiển thị nhiệt độ, độ ẩm; công tắc; bộ cảm biến đo và không dùng phần cứng timer mà dùng cảm biến ánh sáng nhằm giảm chi phí sản xuất. Từ chương trình được cài đặt sẵn, sản phẩm sẽ tự động hóa các chức năng phù hợp với từng loại cây trồng như tưới nhỏ giọt cho cây sầu riêng, tưới phun sương cho vườn lan…

Nhóm sinh viên giới thiệu thiết bị hỗ trợ canh tác nông nghiệp “IOT - bạn của nhà nông”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bạn Lương Thị Thúy chia sẻ: “Ban đầu, để quảng bá sản phẩm, nhóm em đã tới lắp đặt và cho chạy thử tại nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Sau một thời gian thử nghiệm, nhận thấy thiết bị này góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều khách hàng đã đồng ý mua lại để tiếp tục duy trì hoạt động tại vườn của họ. Lợi nhuận ban đầu được nhóm em sử dụng để đầu tư cho các linh kiện của thiết bị mới và lắp đặt sản phẩm chạy thử. So với những sản phẩm khác trên thị trường, mức giá 700 nghìn đồng/thiết bị sẽ giúp nhiều nông dân dễ dàng tiếp cận với sản phẩm. Sau một năm đưa vào hoạt động, nhóm đã nghiên cứu và nâng cấp chức năng tự động hóa của thiết bị. Với chương trình được cài đặt sẵn, sản phẩm có thể dễ dàng điều khiển qua điện thoại di động, rất tiện lợi cho người bận rộn. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống".

Nhờ dự án thiết bị “IOT – bạn của nhà nông”, các bạn đã nhận được nhiều giải thưởng như giải Khuyến khích Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V, lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2022 – 2023…

Cô Tống Thị Lan Chi (Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ 4 dự án của sinh viên tham gia Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp Bộ lần thứ V; tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trường năm 2022… nhằm thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn; tổ chức hoạt động cho các nhóm, câu lạc bộ khởi nghiệp… để khơi gợi và lan tỏa tinh thần năng động, niềm đam mê đổi mới, sáng tạo của các em”.

Nguồn tin: Thu Thảo

baodaklak.vn

Đối tác

Tin tức

Tổ Công tác của ...

Sáng ngày 18/12, Đảng ủy Trường Đại học Tây ...

Chương trình “Tình ...

Ngày 14/12, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên ...

Hội nghị Tổng kết, ...

Ngày 13/12, Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức ...