Vinaora Nivo Slider 3.x

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) khu vực Tây Nguyên là Diễn đàn được Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên thống nhất ký thỏa thuận hợp tác với Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO - Úc) thành lập trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation nhằm mục tiêu thúc đẩy ĐMST để hỗ trợ sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành nông nghiệp và nông sản tại khu vực Tây Nguyên.

Ngày 28 tháng 5, trong khuôn khổ các hoạt động năm 2024 của Diễn đàn, Ban điều phối Diễn đàn đã tổ chức Buổi trao đổi của Ban chuyên trách Diễn đàn tại Trường Đại học Tây Nguyên - đối tác địa phương mới của CSIRO - đơn vị sẽ hỗ trợ vận hành và điều phối Diễn đàn cùng với Trung tâm phát triển cộng đồng (CDC). Buổi trao đổi được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các đại biểu là đại diện của các nhân tố then chốt trong chuỗi giá trị cà phê, bao gồm: Đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ của 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp; các viện, trường đại học, các hội, hiệp hội trong khu vực và các chuyên gia, cán bộ chương trình của tổ chức CSIRO và Đại sứ quán Úc.

Phát biểu khai mạc buổi trao đổi, PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết việc tham gia vào Diễn đàn ĐMST khu vực Tây Nguyên với vai trò là điều phối có ý nghĩa rất lớn đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk - đơn vị được thành lập theo Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Tây Nguyên và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk với sứ mệnh thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST tại khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, hoạt động hợp tác với các tổ chức uy tín của Úc như CSIRO và ACIAR trong thời gian qua cũng hỗ trợ Nhà trường trong việc nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác kết nối ĐMST, góp phần vào sự phát triển chung của  khu vực Tây Nguyên.

PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Bà Jennifer Kelly - Trưởng dự án (CSIRO) cho biết mục đích của Diễn đàn ĐMST ngành hàng cà phê là nhằm hỗ trợ ngành cà phê ở Tây Nguyên hợp tác và ĐMST nhằm đối phó với những cú sốc và thách thức làm ảnh hưởng đến tầm nhìn phát triển xanh và bền vững của ngành cà phê. Bà Jennifer nhấn mạnh ĐMST không chỉ dừng ở việc chia sẻ kiến thức và công nghệ mới, mà còn là việc xây dựng và vận hành các quan hệ đối tác, hợp tác và mạng lưới một cách sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên.

Các ưu tiên của Diễn đàn bao gồm: 1) Mở rộng và tăng cường sự gắn kết và hợp tác trong toàn ngành để cho phép tiếp cận thông tin mới, chia sẻ kiến thức và những đổi mới tiềm năng trong ngành cà phê; 2) Tạo điều kiện cho việc xây dựng các ý tưởng mới và hợp tác nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của chuỗi giá trị cà phê ở Tây Nguyên; 3) Hỗ trợ các cơ hội thương mại hóa khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ để giúp giải quyết các thách thức của ngành; 4) Cung cấp nền tảng giúp định hướng tốc độ đổi mới cho ngành cà phê; 5) Góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu khu vực; 6) Hỗ trợ phổ biến chính sách đổi mới sáng tạo của 5 tỉnh Tây Nguyên tới cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và các chủ thể liên quan trong chuỗi giá trị trọng điểm của vùng. Để có thể đạt được mục tiêu của Diễn đàn, Ban chuyên trách ngành hàng cà phê cần trao đổi, thảo luận và xác định được những thách thức và cơ hội ĐMST chung nhằm hỗ trợ ngành cà phê ở Tây Nguyên phát triển xanh và bền vững.

Bà Jennifer Kelly - Trưởng dự án (CSIRO) phát biểu tại buổi trao đổi

Trong buổi trao đổi, các thành viên của Ban chuyên trách ngành hàng cà phê đã cùng đánh giá lại các cột mốc quan trọng của ngành cà phê trong 14 năm qua, cùng cập nhật các sáng kiến ĐMST đã và đang được áp dụng để ứng phó với những thách thức của ngành hàng và từ đó, thảo luận về một số hoạt động ưu tiên cho Diễn đàn trong năm 2024 - 2025.

Cụ thể, sau khi nghe Ban điều phối Diễn đàn báo cáo tóm tắt về các cột mốc đáng nhớ của ngành hàng cà phê, bao gồm cả thách thức, cơ hội và các biện pháp ứng phó của ngành cà phê khu vực Tây Nguyên trong 14 năm qua, các thành viên Ban chuyên trách đã chia sẻ và thảo luận về một số sáng kiến ĐMST. Các chia sẻ tập trung vào biện pháp sinh học thân thiện với môi trường để quản lý sâu bệnh; sử dụng vi sinh vật nhằm tạo nên mùi vị riêng biệt cho cà phê trong chế biến; và các nỗ lực và hoạt động để thực hiện truy xuất nguồn gốc.  

Ngoài ra, sau khi nghe báo cáo của Bà Michaela Cosijn - Cố vấn kỹ thuật của CSIRO - dự đoán cơ hội và thách thức từ khía cạnh kinh tế, xã hội, khí hậu môi trường mà ngành hàng cà phê có khả năng phải đối mặt trong tương lai, các đại biểu đã thảo luận theo tinh thần cởi mở ĐMST của Diễn đàn và đề xuất một số hoạt động Diễn đàn cùng nhau ưu tiên thảo luận trong thời gian tới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò hợp tác và đối thoại của các nhân tố trong chuỗi giá trị cà phê nhằm giúp ngành cà phê phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu trước các thách thức mới và biến động không ngừng về kinh tế, xã hội, và môi trường.

Những ý kiến trao đổi của các thành viên Ban chuyên trách ngành hàng cà phê là cơ sở để Ban điều phối của Diễn đàn ĐMST khu vực Tây nguyên phác thảo dự kiến một số hoạt động ưu tiên để các thành viên của Diễn đàn cùng chung tay thảo luận và tìm kiếm sáng kiến ứng phó, ĐMST.

Một số hình ảnh tiêu biểu trong Buổi trao đổi của Ban chuyên trách ngành hàng cà phê:

Ông Bạch Thanh Tuấn - Giám đốc CDC - đại diện cho Ban điều phối Diễn đàn báo cáo tổng kết các dấu mốc quan trọng của ngành hàng cà phê trong 14 năm qua

GS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Môi trường - Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ về vai trò của vi sinh vật bản địa trong sản xuất, chế biến cà phê đặc sản 

Ông Đăng Văn Huy - Chủ trang trại Đắng Farm, trình bày về ứng dụng kiến vàng đối kháng rầy và ứng dụng thuốc trừ sâu tự sản xuất trong yếm khí

Một số đại biểu chia sẻ tại Buổi trao đổi, đối thoại:

Bà Vũ Hương Mai - Cán bộ quản lý đối tác – CSIRO trao đổi nhấn mạnh về sự hợp tác của các nhân tố trong chuỗi giá trị cà phê

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Gia Lai chia sẻ tại buổi đối thoại 

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Bền vững Simexco Đắk Lắk chia sẻ tại buổi đối thoại

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại buổi đối thoại

Ông Mai Xuân Thông – Cố vấn kỹ thuật Diễn đàn cà phê toàn cầu chia sẻ tại buổi đối thoại 

Toàn cảnh buổi trao đổi, đối thoại Ban chuyên trách ngành hàng cà phê

Toàn cảnh buổi trao đổi, đối thoại Ban chuyên trách ngành hàng cà phê

Trung tâm ĐMST tỉnh Đắk Lắk

Nguồn ảnh: Phòng TT & TVTS