Vinaora Nivo Slider 3.x

Ngày 11/7/2024, Trường Đại học Tây Nguyên - Đơn vị điều phối Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo Lộ trình thích ứng trong quản lý hạn hán và nước và Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức họp Ban quản lý Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo khu vực Tây Nguyên.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường của 5 tỉnh Tây Nguyên; Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, đại diện Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ khối thịnh vượng chung ÚC (CSIRO), các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhà nông đến từ các tỉnh Tây Nguyên.

Hội thảo là một hoạt động của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên nằm trong Chương trình Aus4Innovation. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hội thảo còn là cơ hội để tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê có thể học hỏi lẫn nhau và lắng nghe những chia sẻ đến từ đội ngũ chuyên gia của CSIRO và Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần thơ trong vấn đề quản lý nước và lộ trình thích ứng tại Úc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

PGS. TS. Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên nhấn mạnh: “Là một Trường đại học đa ngành đóng trên địa bàn Tây Nguyên với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Tây Nguyên cam kết có trách nhiệm trong việc kết nối các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân từng bước giải quyết vấn đề quản lý nước, khắc phục hạn hán theo lộ trình thích ứng phù hợp”.

 PGS. TS. Nguyễn Nguyên Minh trình bày tham luận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh (chuyên gia của CSIRO) trình bày về “Cách tiếp cận thích ứng trong nông nghiệp - Kinh nghiệm từ lưu vực sông Murray Darling của Úc”; PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) giới thiệu về “Quản lý nước tích hợp - Kinh nghiệm từ khu vực sông Mekong” và PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hương của Trường Đại học Tây Nguyên trình bày “Thực trạng sử dụng đất và nước ở Tây Nguyên”.

Tham quan một số điển hình trong quản lý nước ở Úc và Việt Nam

Để hướng về một Tây Nguyên xanh bền vững, các giải pháp được coi trọng nhất bao gồm: Đa dạng các loại cây trồng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, nông - lâm kết hợp để giữ nguồn nước; Phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; Sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; Đánh giá thích nghi phát triển nông nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp, thực hiện xen canh, đa canh, phát triển nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp du lịch xanh; Nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Áp dụng công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm.

 Hoạt động nhóm trình bày viễn cảnh, giải pháp trong tương lai

Tại hội thảo, các nhóm thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thách thức sử dụng nguồn nước, ở ngành sản xuất nào, khâu nào trong chuỗi giá trị, nguyên nhân; vẽ ra kịch bản, viễn cảnh mong muốn cho ngành sản xuất cà phê, trái cây, sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên trong tương lai vào năm 2050; những hành động đã và đang làm để đạt được viễn cảnh đó, biến giấc mơ thành hiện thực.

 Quang cảnh hội thảo

Buổi chiều cùng ngày, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức họp Ban quản lý Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo khu vực Tây Nguyên.

 Quang cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Phạm Đức Nghiệm, Cục Phó Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ; ông Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên; ông Daniel James Ross, Phó Đại sứ Úc; ông Kim Wimbush, Tham tán CSIRO, Giám đốc Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc (Aus4Innovation), cùng đại diện của Ban điều phối Diễn đàn và các thành viên Ban Quản lý Diễn đàn của 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

Nội dung cuộc họp nhằm hỗ trợ Tây Nguyên nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để ứng phó với các thách thức đối với ngành cà phê và trái cây. Theo đó, kết nối ngành với các nguồn lực kiến thức và công nghệ tại địa phương và của Úc, xây dựng mạng lưới liên minh trong các chuỗi giá trị chính giải quyết các thách thức chung để phát triển bền vững, hỗ trợ Trường Đại học Tây Nguyên và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) xây dựng năng lực thương mại hóa và đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi tại Diễn đàn

Phương thức thực hiện gồm các đối tác Trường Đại học Tây Nguyên - Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Trung tâm phát triển cộng đồng (CDC). Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo được thực hiện qua Diễn đàn đổi mới ngành cà phê, CLB ĐMST ngành rau, hoa, quả, các hoạt động chia sẻ kiến thức và nâng cao năng lực về ĐMST (kiến thức, kỹ năng và năng lực thúc đẩy kết nối mạng lưới…).

Từ tháng 8/2023 đến nay, Ban quản lý đã cùng nhau thống nhất về các thách thức chính đối với ĐMST, thách thức chính đối với ngành cà phê và các lộ trình, hoạt động ĐMST để hỗ trợ quản lý tài nguyên nước bền vững để giải quyết vấn đề hạn hán. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ cùng tổ chức các hoạt động để hỗ trợ các ưu tiên ĐMST trong ngành như: Hỗ trợ kết nối với các trang trại trái cây và rau quả ở Úc để hỗ trợ chuyến thăm của đoàn đại biểu Gia Lai (Tại tiểu bang Queensland, New South Wales - Úc); Hội thảo với chuyên gia về chế biến thực phẩm của Úc về đổi mới sáng tạo để hỗ trợ gia tăng giá trị cho ngành trái cây thông qua chế biến (Gia Lai); thành lập một CLB ĐMST ngành rau hoa quả (do WASI chủ trì) để hỗ trợ ngành trái cây kết nối với các chuyên gia nghiên cứu và chuyên gia khác giải quyết các vấn đề; Hội thảo với Thị trường Cacbon có sự tham gia của chuyên gia từ Úc cho ngành cà phê (Đắk Lắk), đề xuất cuộc họp tiếp theo về quan hệ đối tác đổi mới tại Lễ hội cà phê 2025; Hội thảo về xây dựng hệ thống chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn mang tính hòa nhập.

Tại cuộc họp, các thành viên của Ban quản lý Diễn đàn ĐMST đã đề xuất một số ý kiến cho hoạt động sắp tới như dời thời gian của Hội thảo với chuyên gia về chế biến thực phẩm của Úc trong thời gian sớm hơn để tiếp cận với công nghệ chế biến trái bơ một cách kịp thời cho bà con nông dân; bổ sung quy chế và cách thức hoạt động cho các thành viên trong Ban quản lý; ưu tiên triển khai những đề tài, dự án phục vụ thiết thực tại địa phương và giải quyết các thách thức để phát triển cà phê và cây ăn quả của Tây Nguyên; thúc đẩy hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm trực tiếp giữa các đối tác ở Úc và Việt Nam…

Nguồn tin và ảnh:

- https://baolamdong.vn/.../lo-trinh-thich-ung-trong-quan.../
- https://lamdong.gov.vn/SitePages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?$DocId=2105&$WebUrl=https://lamdong.gov.vn/sites/skhcn/hd-quanly/hdql-thongtinchung&$ListId=bc1ac3fd-68ca-4a8f-803e-774381f41beb
- https://baolamdong.vn/.../dien-dan-doi-moi-sang-tao-khu.../
- https://lamdong.gov.vn/SitePages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?$DocId=2108&$WebUrl=https://lamdong.gov.vn/sites/skhcn/hd-quanly/hdql-thongtinchung&$ListId=bc1ac3fd-68ca-4a8f-803e-774381f41beb
- https://daklak.gov.vn/.../dien-an-oi-moi-sang-tao-khu-vuc..
- https://daklak.gov.vn/-/lo-trinh-thich-ung-trong-quan-ly-han-han-va-nuoc-o-tay-nguyen