Ngày 16/8/2019, tại phòng Hội thảo 200, tòa nhà Điều hành, Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Viện Di truyền Y học tổ chức Hội thảo Khoa học “NIPT cho tầm soát trước sinh: Xu thế và ứng dụng”. Tài trợ chính cho Hội thảo là công ty Gene Solutions.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bất thường nhiễm sắc thể thai nhi nhằm góp phần giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, giúp cải thiện chất lượng dân số. Hội thảo là cơ hội để rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, kết nối với các chuyên gia đầu ngành; là cơ hội để các bác sĩ cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, nâng cao kiến thức chuyên môn của mình, tăng cường mối quan hệ mật thiết, hiểu biết, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đây cũng là cơ hội vàng để cán bộ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên gặp gỡ và học hỏi các chuyên gia, các bạn bè, đồng nghiệp từ khắp mọi miền Tổ quốc. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Thầy Phó hiệu trưởng gửi lời cảm ơn Viện Di truyền Y học và các báo cáo viên của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, nhà tài trợ đã phối hợp với Nhà trường để tổ chức Hội thảo này. Hi vọng trong thời gian tới sự hợp tác giữa Bệnh viện Trường và Khoa Y Dược – Trường Đại học Tây Nguyên với Viện Di truyền Y học và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh ngày càng bền vững, sâu sắc và hiệu quả hơn.
PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu và tuyên bố lý do khai mạc Hội thảo
Sơ sinh có bất thường nhiễm sắc thể (NST) thường có những biểu hiện bệnh lý với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau về hình thái hoặc chức năng của cơ thể và ảnh hưởng đến khả năng sống.
Sàng lọc trước sinh nhằm mục đích phát hiện những thai kỳ nguy cơ cao có bất thường NST cần phải thực hiện xét nghiệm chẩn đoán. Các phương tiện tầm soát được đưa ra và cải thiện không ngừng khả năng dự báo nhằm mục tiêu hạn chế số trường hợp phải thực hiện xét nghiệm chẩn đoán (có tính xâm lấn) đến mức thấp nhất có thể, mà không bỏ sót trường hợp bất thường do không được phát hiện.
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT (Non-invasive prenatal testing) dựa trên cơ sở phân tích DNA ngoại bào (cfDNA) của nhau thai phóng thích vào tuần hoàn máu mẹ. Các cfDNA này là chất liệu di truyền để sàng lọc các bất thường NST phổ biến ở thai nhi như hội chứng Down (Trisomy 21), Edwards (Trisomy 18), Patau (Trisomy 13) và bất thường NST giới tính (45,X hoặc 47,XXY…) với độ chính xác cao. Cùng với các phương pháp sàng lọc dựa trên các dấu chỉ (marker) sinh hóa và siêu âm, NIPT đang ngày càng được sử dụng phổ biến tại các cơ sở y tế trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã thảo luận giải pháp sàng lọc phối hợp không xâm lấn bệnh tan máu bẩm sinh β-Thalassemia (NIPT β-Thalassemia).
Với bốn báo cáo được trình bày tại Hội thảo đã góp phần rất lớn giúp cho các giảng viên, đội ngũ y, bác sĩ và các bạn sinh viên có thêm hiểu biết về NIPT, để từ đó tư vấn cho phụ nữ mang thai về sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bất thường NST.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
TS.BS Nguyễn Đăng Đức – Phó Giám đốc Bệnh viện trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Hoài Nghĩa – Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trình bày báo cáo tại Hội thảo
ThS.BS. Hà Văn Tuấn – Trường Đại học Tây Nguyên trình bày báo cáo tại Hội thảo
ThS.BS. Nguyễn Thị Thu Hương – Trường Đại học Tây Nguyên trình bày báo cáo tại Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Trung tâm Thông tin
ONLINE
We have 5759 guests and no members online