Ngày 28/11/2019, Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ đăng cai tổ chức Hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2019” với chủ đề “Phục hồi Rừng và Cảnh quan hướng đến Phát triển bền vững”.
Đến tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Vũ Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường; về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ThS. Nguyễn Đình Thắng - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 - Chi cục Kiểm lâm vùng IV - đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; về phía tỉnh Đắk Lắk có Ông Nguyễn Hoài Dương -Tỉnh ủy viên - Ủy viên Ủy ban nhân dân - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ; về phía đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo có GS.TS. Nguyễn Kim Lợi - Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, GS.TS. Võ Quang Minh - Trường Đại học Cần Thơ; Các nhà khoa học thuộc các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, các sở ban ngành của các tỉnh/thành phố trong cả nước; các nhà tài trợ cho Hội thảo; Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có TS. Nguyễn Thanh Trúc – Bí Thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Lê Đức Niêm – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Hiệu trưởng, đại diện Lãnh đạo các Khoa, Giảng viên, NCS, học viên cao học, các bạn sinh viên trong trường tham dự.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu: “Đây là lần đầu tiên một sự kiện khoa học lớn có nội dung về ứng dụng GIS được tổ chức tại khu vực Tây Nguyên, Nhà trường rất vinh dự là một trong 3 đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo. Và Hội thảo được tổ chức vào một ngày đặc biệt đáng nhớ nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959-28/11/2019). Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc năm 2019, là diễn đàn để những nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai công nghệ; tìm kiếm cơ hội hợp tác, học tập; đồng thời là tiền đề xây dựng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS vào một số lĩnh vực đời sống như: Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, Môi trường và Phát triển bền vững; Bảo tồn đa dạng sinh học; Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, An ninh lương thực, An ninh nguồn nước; GIS trong giáo dục và phát triển cộng đồng,…đặc biệt là phục hồi rừng và cảnh quan hướng đến phát triển bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay. Cảm ơn các nhà khoa học, quý thầy cô giáo, các nghiên cứu sinh…. trên mọi miền đất nước đã tích cực viết bài và tới tham dự hội thảo, cảm ơn các đối tác đã đặt niềm tin vào chúng tôi để cùng phối hợp tổ chức hội thảo này’’.
PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội thảo, TS. Vũ Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường đánh giá rất cao vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian qua đã có những bước tiến rất quan trọng và chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hoạt động khoa học công nghệ. Từ 2014 – 2019 số lượng công bố quốc tế của nước ta tăng gấp đôi cho nên chỉ số xếp hạng của nước ta được cộng đồng và bạn bè quốc tế thừa nhận. Trong năm 2019 lần đầu tiên các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều xuất hiện trong 3 bảng xếp hạng của đại học uy tín của quốc tế, đặc biệt có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt top 1000 thế giới. Đồng chí Phó Vụ trưởng hi vọng các cơ sở giáo dục tiếp tục phát huy tốt hoạt động khoa học công nghệ kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
TS. Vũ Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường phát biểu tại Hội nghị
Trong những năm qua, GIS Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu của cả nước đã và đang ứng dụng GIS trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ. Các cơ sở nghiên cứu, trung tâm ứng dụng, các cơ quan, ban ngành trung ương, địa phương đều sử dụng GIS cho các ứng dụng và công việc của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững các ứng dụng GIS trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước, ứng dụng trong đời sống, giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất cần có những trao đổi về những kết quả nghiên cứu ứng dụng liên quan đến GIS. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày một số vấn đề liên quan đến tại Việt Nam, gồm: Mạng lưới GIS: hình thành, phát triển, ứng dụng; Viễn thám trong phục hồi rừng, cảnh quan, định lượng tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở Tây Nguyên; Thiết kế hệ thống quan trắc tự động giúp cảnh báo chất lượng nước thô cho các nhà máy cấp nước; Thông tin không gian phát triển SDI tại Việt Nam, các đại biểu đã các báo cáo khoa học tại 5 tiểu ban đề cập đến các vấn đề: viễn thám trong biến đối cảnh quan, sử dụng đất; hệ thống thông tin doanh nghiệp; GIS, viễn thám trong quản lý tài nguyên - môi trường, tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu; Viễn thám, GIS trong quản lý nông nghiệp, sử dụng đất; GIS, viễn thám trong quản lý tài nguyên rừng; UAV, viễn thám trong quản lý cảnh quan, tài nguyên - môi trường.
Kết quả của Hội thảo là tiền đề cho sự hợp tác lâu dài, bền vững giữa các bên liên quan trong việc nghiên cứu và ứng dụng cộng nghệ GIS trong thực tiễn. Đây còn là diễn đàn chia sẻ thông tin, quan điểm, phương pháp nghiên cứu cũng như phối hợp xây dựng chương trình giảng dạy cho ngành GIS và viễn thám mang tính liên ngành, để có thể giải quyết thành công những vấn đề đang đặt ra hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thông qua Hội thảo lần này, chúng ta thấy ứng dụng GIS đã hiện diện rộng khắp trong nhiều ngành như lâm nghiệp, tài nguyên, môi trường, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội… và tại nhiều địa phương, ứng dụng GIS đã hỗ trợ ra quyết định trong quản lý, qui họach và dự báo đang dần dần được đưa vào một số lĩnh vực đời sống, thu hút nhiều nhân lực, đầu tư tài chính và thời gian hơn nữa để tiếp cận được tốt hơn.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hoài Dương, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị
TS. Nguyễn Thanh Trúc – Bí Thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Trường Đại Tây Nguyên tặng hoa và quà lưu niệm cho Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tại Hội nghị
GS.TS. Nguyễn Kim Lợi, Trường Đại học Nông Lâm TP HCM đơn vị phối hợp tổ chức phát biểu
PGS.TS. Trần Trung Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên tặng hoa và quà lưu niệm cho các nhà tài trợ.
Ban tổ chức đã tổ chức trao giấy chứng nhận về khóa tập huấn: “Sử dụng phần mềm mã nguồn mở Qgis cơ bản cho 16 học viên là cán bộ, nhân viên tại các cơ quan đơn vị ở khu vực Tây Nguyên”
PGS.TS. Trần Trung Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên trao cờ luân lưu cho ThS. Lưu Đình Hiệp - Đại diện cho Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc Gia Hồ Chí Minh. Là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc” lần thứ 12, năm 2020.
Ban tổ chức đã tổ chức tặng hoa chúc mừng hai tân Giáo sư
Một số báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể
GS.TS. Nguyễn Kim Lợi – Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM trình bày báo cáo: “Mạng lưới GIS tại Việt Nam: hình thành, phát triển và ứng dựng”
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương – Trường Đại học Tây Nguyên trình bày báo cáo: “Viễn thám trong định hướng phục hồi rừng, cảnh quan, định lượng tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở Tây Nguyên”
ThS. Nguyễn Mạnh Hiến – Giám đốc công ty cổ phần khoa học kĩ thuật Thượng Hải trình báy báo cáo: “Thiết kế hệ thống quan trắc tự động giúp cảnh báo chất lượng nước thô cho các nhà máy cấp nước”
ThS. Lê Phước Thành – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam – Đan mạch Vidagis trình bày báo cáo: “Thông tin không gian phát triển SDI tại Việt Nam”
Sau báo cáo phiên toàn thể, các đại biểu tham gia Hội nghị đã chia thành các tiểu ban để trình bày các báo cáo.
Các báo cáo khoa học được trình bày tại các tiểu ban
Toàn cảnh Hội nghị
Trung tâm Thông tin
ONLINE
We have 6488 guests and no members online