Chiều ngày 24 tháng 5 năm 2017, Chuyên gia đến từ Israel và Công ty cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên giới thiệu về chương trình Du học Thực hành Nông nghiệp tại Israel cho sinh viên các ngành Khoa học cây trồng, Lâm nghiệp, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y, Kinh tế Nông nghiệp đã đăng kí tham gia chương trình.  

Israel là một quốc gia nằm ở phía tây khu vực Trung Đông, có diện tích 20.072 km2, dân số 7.233.701 người ( Số liệu năm 2009). Khí hậu khắc nghiệt, phần nhiều diện tích là cát và hoang mạc. Chỉ với diện tích 360.000 ha đất nông nghiệp nhưng trong 5 thập niên gần đây giá trị SXNN của Israel luôn vượt con số 3,5 tỉ USD/năm, trong đó XK chiếm trên 20%. GDP bình quân đầu người đạt 28.400 USD ( năm 2009). Đất đai khô cằn nhưng tại Israel, các sản phẩm như hoa, rau, quả có sẵn hơn bất cứ nơi nào.



Trang trại trồng rau ở Israel (hình - OLECO)

Vậy đâu là mấu chốt cho sự phát triển đáng kinh ngạc của nền nông nghiệp Israel? Chìa khoá thành công trong lĩnh vực SXNN tại Israel là sự phát triển của khoa học nông nghiệp, là sự kết hợp đồng bộ giữa nhà khoa học, nông dân, các ngành công nghiệp, dịch vụ và Chính phủ. Chính vì vậy, mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Trên đồng ruộng có thông tin gì ngay lập tức được chuyển đến cho các nhà khoa học và ngược lại, nếu có kỹ thuật khoa học tiên tiến nào người nông dân đều nhanh chóng được tiếp cận và phổ cập rộng rãi.

Luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học vào SXNN, Israel đã trở thành một điển hình nông nghiệp của thế giới. Từ năm 1958 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1.400 chuyên gia nông nghiệp từ 80 nước trên thế giới tới Israel để học tập nâng cao kiến thức để về phục vụ nền nông nghiệp tại nước nhà.



Mô hình nuôi bò sữa của Israel (hình - OLECO)

Học viên tới Israel học tập được tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, tiên tiến. Trong quá trình học tập kết hợp với thực hành tại các trang trại, các học viên học được cách ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn nên việc lĩnh hội kiến thức được sâu và cụ thể hơn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Israel đưa các học viên ngành nông nghiệp sang đào tạo tại các Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của Israel như Trung tâm AICAT, RAMAT NEGEV, AGRO STUDIES...theo chương trình hợp tác và thực hành nông nghiệp trong gần 7 năm qua. Những năm đầu, Bộ NN và PTNT Việt Nam cử số lượng ít các sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng sang đào tạo tại Israel. Theo chuyên gia OLECO, Bộ NN và PTNT Việt Nam nhận thấy đây là chương trình hợp tác hiệu quả, thiết thực và phù hợp với với điều kiện của Việt Nam, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía Israel, chương trình ngày càng lớn mạnh và phát triển. Năm 2008, Bộ NN và PTNT VN đã ký kết chương trình hợp tác đào tạo Tu nghiệp sinh nông nghiệp với Bộ NN Israel và giao cho Công ty Cổ phần xây dựng, Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO) - Là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ thực hiện chương trình dưới sự chỉ đạo và giám sát của Bộ.

Qua gần 5 năm thực hiện, Công ty OLECO đã đưa gần 1000 TNS sang Israel. Theo các học viên Việt Nam tham gia chương trình đã về nước, họ đã học được rất nhiều kiến thức sau thời gian học tập và thực hành tại Israel. Bên cạnh những kiến thức về nông nghiệp, các học viên có cơ hội thực hành tiếng Anh, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Với sự giúp đỡ của các Trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là các chủ trang trại, các học viên đã được đào tạo kiến thức dựa trên thực tế; được đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp của các trang trại trên toàn đất nước Israel....Song song với việc học tập, các học viên còn được tham gia lao động, thực hành tại các trang trại với mức thu nhập gần 1000 USD/ tháng, ngoài ra các học viên có thể tham gia làm thêm ngoài giờ hoặc vào các ngày nghỉ để có thêm thu nhập. Thông thường, sau một khoá học, các học viên sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khoảng 7000 USD sau khi đã trừ toàn bộ chi phí.

Đối tượng tham gia chương trình là các học viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản và các cán bộ thuộc các ngành trên. Trong độ tuổi từ 21- 32 tuổi, có đủ sức khoẻ theo yêu cầu của phía Israel. Khoá đào tạo kéo dài từ 11 tháng, đó là toàn bộ vụ mùa nông nghiệp của Israel. Với mức thu nhập khá như trên nhưng chi phí tham gia chương trình này chỉ khoảng 1.180 USD/ người, trong đó gồm vé máy bay lượt đi, tiền quản lý tại Việt Nam và tiền bảo hiểm ngoài khu vực. Học viên phải tham gia khoá học ngoại ngữ và giáo dục định hướng (2 tháng) trước khi đi, với học phí 450.000 đồng/ tháng. Trong thời gian ở Israel, các học viên phải trả khoảng 150 USD tiền học phí, tự túc tiền ăn và tiền vé máy bay lượt về. Các học viên được bố trí chỗ ở tại các trang trại nông nghiệp có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt. Các trung tâm đào tạo sẽ trừ các khoản chi phí mà học viên phải đóng từ nguồn tiền lương hàng tháng của học viên tại các trang trại.

Năm nay, phía Israel nhận 300 du học sinh Việt Nam và Trường Đại học Tây Nguyên có số lượng sinh viên đăng kí tham gia chương trình du học này là 37 sinh viên. Dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Nhà trường – PGS.TS Trần Quang Hân, chuyên gia Israel đã giới thiệu về chương trình, kế hoạch, quyền lợi và các yêu cầu đối với sinh viên khi đến Israel tham gia du học. Cùng với đó, chuyên gia cũng giải đáp tất cả những thắc mắc của sinh viên. Sau buổi giới thiệu chương trình Du học Thực hành nông nghiệp, chuyên gia Israel và đại diện OLECO đã có buổi phỏng vấn trực tiếp đối với những sinh viên đã đăng kí.

Có thể đánh giá rằng, chương trình Du học Thực hành nông nghiệp tại Israel là cơ hội rất tốt cho sinh viên ngành Nông lâm, Kinh tế nông nghiệp và Chăn nuôi thú y Trường Đại học Tây Nguyên. Chuyến du học Thực hành trong thời gian 11 tháng, giúp các bạn có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nền khoa học nông nghiệp tiên tiến và nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới, từ đó kết hợp với những kiến thức được học tại Trường, sau khi tốt nghiệp các bạn sẽ trở thành những chuyên gia, những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà.  

 Một số hình ảnh của buổi tọa đàm

Trung tâm Thông tin