Sáng ngày 25/11/2022, tại Hội trường 200 chỗ tòa nhà Điều hành, Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo Công bố Khoa học và hợp tác với đối tác định hướng đến 2025 và tầm nhìn 2030.

Tham dự Hội thảo, về phía các sở ban ngành và các đơn vị, các doanh nghiệp có đại diện Lãnh đạo: Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, sở Tư pháp Đắk Lắk, Chủ tịch Hội Liên hiệp các khoa học tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm thông tin - Ứng dụng KHCN Đắk Lắk, phòng Quản lý khoa học tỉnh Đắk Nông, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Đắk Nông, Viện Nghiên cứu sức khỏe và phát triển giáo dục Tây Nguyên, Vườn quốc gia Tà Đùng, Tropenbos Việt Nam, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ; về phía Trường Đại học Tây Nguyên có TS. Nguyễn Thanh Trúc – Phó Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Lê Đức Niêm, Lãnh đạo Phòng KH và QHQT, Lãnh đạo các đơn vị; Trưởng, Phó các Bộ môn, CBVC là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ với tổng số gần 200 đại biểu tham dự.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm lực và công bố những kết quả nổi bật hoạt động Khoa học và Công nghệ của Nhà trường và các đối tác trong thời gian vừa qua. Từ đó, mở rộng mối quan hệ với các đối tác trên tinh thần tự nguyện, sự hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng mục tiêu và định hướng phát triển KHCN trong những năm tới để khai thác nguồn lực, giá trị và thế mạnh của mỗi đơn vị; tạo mối liên kết chia sẽ lợi ích của các bên và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Trúc – Phó Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ cùng với ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh tế; tạo và tăng sức cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc tổ chức Hội thảo Công bố khoa học và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước là cơ hội lớn để Nhà trường phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Hội thảo lần này là cơ hội để rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, kết nối các chuyên gia đầu ngành; là cơ hội để các bạn đồng nghiệp cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, nâng cao kiến thức chuyên môn của mình, tăng cường mối quan hệ mật thiết, hiểu biết, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau về phát triển khoa học công nghệ.

TS. Nguyễn Thanh Trúc – Phó Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị

Với 29 báo cáo tham luận được gửi đến với những lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật nhất là việc công bố các ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông lâm nghiệp, chuyển giao công nghệ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Ứng dụng KHCN để tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe của con người, việc phối hợp giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu của xã hội rất lớn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 06 báo cáo tiêu biểu liên quan đến các vấn đề Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học trong phát triển Nông Lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên, Kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện Khoa học Kỹ thuật giai đoạn 2011 – 2021, Tiềm năng và triển vọng  phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Gia Lai, Kết quả khảo nghiệm một số giống Diêm mạch (Chenopodium quinoa Willd.) trên đất nâu đỏ Bazan và đất xám tại Tây Nguyên, Sử dụng phụ phế phẩm trong chăn nuôi gia súc nhai lại, Tỉ lệ mắc và các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não: một nghiên cứu dựa vào cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk.

 GS.TS Nguyễn Anh Dũng - Viện CNSH&MT – Trường ĐH Tây Nguyên trình bày báo cáo  “Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học trong phát triển Nông Lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên”

 ThS. Đào Thị Lan Hoa - Viện KHKT NLN Tây Nguyêntrình bày báo cáo: “Kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện Khoa học Kỹ thuật giai đoạn 2011 - 2021”

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Sở NN&PTNT Gia Lai trình bày báo cáo: “Tiềm năng và triển vọng  phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Gia Lai”

 TS. Nguyễn Văn Minh - Trường Đại học Tây Nguyên trình bày báo cáo: “Kết quả khảo nghiệm một số giống Diêm mạch (Chenopodium quinoa Willd.) trên đất nâu đỏ Bazan và đất xám tại Tây Nguyên”

TS. Đoàn Đức Vũ - Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ trình bày báo cáo:  “Sử dụng phụ phế phẩm trong chăn nuôi gia súc nhai lại”

TS. Đinh Hữu Hùng - Trường Đại học Tây Nguyên trình bày báo cáo: “Tỉ lệ mắc và các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não: một nghiên cứu dựa vào cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk”

Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao những những kết quả khoa học công nghệ được công bố lần này. Đại diện các sở ban, ngành mong muốn được hợp tác, hỗ trợ và phối kết hợp với Nhà trường để tạo ra được nhiều sản phẩm; đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến bộ của KHCN để thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.

Đại diện các Sở, ban ngành các các doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Đức Niêm – TVĐU – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ quan Quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người sản xuất với các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học đối với hoạt động KHCN của Nhà trường. Hội thảo đã xác định, đánh giá nhu cầu và khả năng hợp tác KHCN giai đoạn 2023 – 2025 và tầm nhìn 2030, giữa các nhà khoa học của trường Đại học Tây Nguyên với các bên liên quan trong các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, sinh học, y học, kinh tế, chính trị xã hội và đào tạo nhân lực…. Với một số nội dung cụ thể như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và xử lý môi trường trong biến đổi khí hậu; nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển các ngành hàng chủ yếu theo định hướng thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gắn với chế biến sâu và phát triển chuỗi giá trị; các nghiên cứu về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe... Đây là cơ sở để Trường Đại học Tây Nguyên đẩy mạnh việc hợp tác KHCN với các đối tác ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

PGS.TS Lê Đức Niêm – TVĐU – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu bế mạc Hội thảo

Một số sản phầm ứng dụng KHCN của Trường ĐHTN được trưng bày tại Hội thảo

 

Toàn cảnh Hội thảo

Phòng Truyền thông và TVTS