Sáng ngày 25 tháng 7 năm 2017, Trường Đại học Tây Nguyên đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk về việc kiểm tra điều kiện mở 02 ngành mới: Kinh doanh thương mại và Công nghệ thực phẩm.
Tham gia buổi làm việc có PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các đồng chí lãnh đạo Phòng Đào tạo Đại học, Phòng Tổ chức cán bộ, phòng Quản trị thiết bị, trưởng khoa và các thành viên đề xuất mở ngành mới của khoa Nông Lâm Nghiệp và Khoa Kinh tế.
Đoàn làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk có 05 đồng chí, ông Bùi Hữu Thành Cát – Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn.
Mục tiêu của Trường Đại học Tây Nguyên trong giai đoạn này là phát triển thành trường đại học trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, là nơi nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Việc mở 02 ngành đạo tạo đại học mới: ngành Kinh doanh thương mại – khoa Kinh tế (Mã số 52340121) và ngành Công nghệ thực phẩm – Khoa Nông Lâm Nghiệp (Mã số 54540101) là đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, nhận thấy nhu cầu thực tiễn của việc mở ngành mới, những điều kiện cần và đủ để mở ngành mới theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại trường Đại học Tây Nguyên, đoàn làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã kết luận như sau:
- Ngành Kinh doanh thương mại và ngành Công nghệ thực phẩm do Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất mở mới phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, của Khu vực Tây Nguyên và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo của Trường. Việc mở ngành đào tạo mới đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của Trường, được Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhà Trường thông qua;
- Đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu (gọi là giảng viên cơ hữu) bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo của các ngành đang đào tạo khác, trong đó mỗi ngành có ít nhất 01 tiến sĩ và 04 thạc sĩ, hoặc 02 tiến sĩ và 02 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.
- Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, giáo trình, bài giảng cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã trực tiếp kiểm tra và khẳng định Nhà Trường đã đáp ứng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Căn cứ vào nhu cầu phát triển của Trường, căn cứ những yếu tố trên đoàn khẳng định Trường Đại học Tây Nguyên đủ điều kiện để đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho Trường Đại học Tây Nguyên mở thêm ngành Kinh doanh thương mại và ngành Công nghệ thực phẩm.
Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, PGS. TS Trần Trung Dũng gửi lời cảm ơn đoàn làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk giúp cho Trường hoàn thiện hồ sơ pháp lý trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở hai ngành mới.
Một số hình ảnh buổi làm việc
Trung tâm Thông tin
ONLINE
We have 4938 guests and no members online