Sáng ngày 18/12, Trường Đại học Tây Nguyên đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Chonnam và Công ty McBiotech của Hàn Quốc.
Tham gia buổi làm việc, về phía đoàn chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Chonnam và Công ty McBiotech có GS. Kil Yong Kim làm trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn; về phía Trường Đại học Tây Nguyên có TS. Nguyễn Thanh TRúc – Hiệu trưởng Nhà trường, các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Lãnh đạo Viện CNSH&MT, Phòng KH&QHQT, Khoa Nông Lâm nghiệp.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Quốc gia Chonnam. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành ký MOU và triển khai một số hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực, mở rộng hợp tác giữa Trường Đại học Tây Nguyên với các đối tác của Đại học Quốc gia Chonnam trong đó có Công ty McBiotech. Đoàn chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Chonnam và Công ty McBiotech mời Ban Giám hiệu Trường Đại học Tây Nguyên sang thăm Đại học Quốc gia Chonnam trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên tặng quà lưu niệm cho GS. Kil Yong Kim của Đại học Quốc gia Chonnam
GS. Kil Yong Kim của Đại học Quốc gia Chonnam tặng quà lưu niệm cho TS. Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên
Nhân dịp sang thăm và làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên, đoàn chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Chonnam và Công ty McBiotech đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Môi trường tổ chức seminar với chủ đề: “Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp”.
Tham dự seminar có khoảng 40 đại biểu gồm đoàn chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Chonnam và Công ty McBiotech (Hàn Quốc), các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Viện CNSH&MT, Khoa nông lâm, Khoa KHTN&CN, Khoa y dược.
Toàn cảnh seminar
Trình bày báo cáo là GS. Kil Yong Kim - Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc. Ông đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu, tuyển chọn vi sinh vật hữu ích và phát triển tạo chế phẩm sinh học GCM ứng dụng cho canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững. Như chúng ta đã biết, hệ vi sinh vật đất rất đa dạng và phong phú; rất nhiều trong số này có vai trò kìm hãm sinh trưởng của các tác nhân gây hại và thúc đẩy sinh trưởng cây trồng. Từ cơ sở khoa học này, GS Kim và các công sự ở Trường Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) đã tập trung vào sàng lọc các chủng vi sinh vật hữu ích từ môi trường đất, nhất là các chủng sản xuất enzyme chitinase, protease, hormone IAA… Các chủng tiềm năng được định danh loài bằng sinh học phân tử, đánh giá hiệu quả đối kháng nấm bệnh, tuyến trùng… ở điều kiện thí nghiệm ngoài đồng ruộng và phát triển tạo chế phẩm GCM. Chế phẩm GCM được thử nghiệm, đánh giá hiệu quả với nhiều loại cây trồng khác nhau như hành tây, cà rốt, cà chua, hẹ, dâu tây, dưa lưới, bí, ớt, cam, lúa, cải thảo… trồng ở các vùng miền tại Hàn Quốc. Đến nay, chế phẩm được sử dụng cho canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững ở nhiều nước như Philippine, Trung Quốc, Mỹ, Israel… Ở nước ta, chế phẩm GCM được cấp phép lưu hành từ năm 2022.
GS. Kil Yong Kim - Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc trình bày báo cáo tại seminar
Với chủ đề: “Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp” đã giúp cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên và học viên của Trường Đại học Tây Nguyên nắm bắt và tiếp cận những phương pháp nghiên cứu mới để tạo ra các chế phẩm phục vụ cho nông nghiệp ở Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên và cả nước.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc và seminar
Phòng Truyền thông và TVTS
ONLINE
We have 1987 guests and no members online