I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI
- Năm 2003 hình thành Câu lạc bộ hưu trí trường ĐHTN
Xuất phát từ nguyện vọng của nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường đã nghỉ hưu muốn có một tổ chức nhằm: nuôi dưỡng và phát triển những tình cảm và truyền thống tốt đẹp về xây dựng Nhà trường với các thế hệ kế tiếp của Trường ĐHTN; là cầu nối giữa cán bộ, giảng viên, nhân viên đã nghỉ hưu với Nhà trường; và là nơi mái ấm để gắn bó tình cảm giữa những cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Trường đã nghỉ hưu. Từ đó, nhiều người đã tự nguyện thành lập “Câu lạc bộ hưu trí”.
- Năm 2004: Thành lập Ban vận động để thành lập Hội Cựu Giáo chức ĐHTN:
Sau khi Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội CGC Việt Nam (Quyết định số 24/2004/QĐ-BNV ngày 09/4/2004) và phê duyệt Điều lệ Hội CGC Việt Nam (Quyết định số 61/2004/QĐ-BNV ngày 07/9/2004). Được phép của Ban Giám hiệu Nhà trường(Quyết định số 205/2004/QĐ- TCCB ngày 10/3/2004) và công văn cho phép của UBND Tỉnh Đắk Lắk (số 1635/CV-UB ngày 15/7/2004) về việc thành lập Ban Vận động để chuẩn bị Đại hội thành lập Hội Cựu Giáo chức (Hội CGC) trường Đại học Tây Nguyên.
- Năm 2005: Đại hội lần thứ I thành lập Hội CGC trường ĐHTN:
Sau hơn 1 năm chuẩn bị, ngày 28/10/2005 đã tiến hành Đại hội thành lập Hội (nhiệm kỳ 2005-2010). Như vậy, ngày 28/10/2005 là ngày chính thức thành lập hội. Đại hội có 67 hội viên tham dự và đã bầu ra BCH Hội gồm 7 ông, bà do cố nhà giáo Bùi Ngọc Trung làm chủ tịch và nhà giáo Đặng Ngọc Hoan làm phó chủ tịch. Khi đó, Hội CGC trường ĐHTN trực thuộc Hội CGC tỉnh Đắk Lắk (Quyết định số 13/QĐ-CGC ngày 14/11/2005 của chủ tịch Hội CGC tỉnh Đắk Lắk).
- Năm 2006: Hội Cựu Giáo chức trường ĐHTN trực thuộc Trung ương Hội CGC Việt Nam
Theo tổ chức của Hội CGC Việt Nam, Hội CGC trường ĐHTN trực thuộc thuộc Trung ương Hội CGC Việt Nam. Do đó ngày 27/4/2006 Trung ương Hội CGC Việt Nam có Quyết định số 54/2006/QĐ-CGC công nhận Hội CGC trường ĐHTN trực thuộc thuộc Trung ương Hội CGC Việt Nam, công nhận BCH Hội CGC trường ĐHTN bầu ngày 28/10/2005. Hội CGC trường ĐHTN chịu sự quản lý của Ban Giám hiệu và sự bảo trợ của Công đoàn trường ĐHTN. Từ đó Hội đã triển khai các hoạt động theo Điều lệ Hội CGC Việt Nam.
- Năm 2010: Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2011 - 2015)
Sau Đại hội lần thứ II của Trung ương Hội CGC Việt Nam và được sự đồng ý của BGH trường ĐHTN. Hội đã chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2011 – 2015) vào ngày 18 tháng 11 năm 2010.
Đại hội có 92 hội viên tham dự và đã bầu ra BCH hội gồm 9 ông, bà do Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thi làm chủ tịch. Hội CGC trường ĐHTN trực thuộc thuộc Trung ương Hội CGC Việt Nam. Hội có tư cách pháp nhân, chịu sự quản lý của BGH trường ĐHTN, sự bảo trợ của Công đoàn trường ĐHTN (theo Quyết định số 151/2011/QĐ-CGC ngày 14/01/2011 của Trung ương Hội CGC Việt Nam).
Từ sau Đại hội đến nay, Hội đã tập trung củng cố và xây dựng hội toàn diện theo NQ Đại hội II và chỉ đạo của Trung ương Hội CGC Việt Nam.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Trong gần 8 năm hình thành và phát triển, hoạt động của hội đã từng bước làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo Điều lệ Hội CGC Việt Nam. Hội thường xuyên được sự chỉ đạo của Trung ương Hội, sự quan tâm của Lãnh đạo Nhà trường, sự bảo trợ của Công đoàn Trường, sự phối hợp của các phòng, ban chức năng, các khoa trong Trường, sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị và tổ chức ở địa phương… nên đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho các hoạt động của Hội.
1. Về xây dựng tổ chức Hội
- Đến nay Hội đã phát triển được 151 hội viên đang sinh hoạt tại 7 chi hội theo địa bàn nơi cư trú ở Đắk Lắk, không kể số hội viên đã chuyển đi các tỉnh, thành khác và 13 hội viên đã qua đời, trong đó có cố nhà giáo đại tá bác sĩ Y T’Lam Kbour – Nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường.
- Thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua: xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hàng năm hội tổ chức tổng kết công tác Hội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
- Hội có Tạp chí Hội CGC Việt Nam, có báo Giáo dục và Thời đại, có báo Khuyến học để Hội nắm bắt tình hình và kinh nghiệm hoạt động của Hội CGC, của Hội Khuyến học và của ngành giáo dục đào tạo trong cả nước, nhằm vận dụng vào hoạt động của Hội ở trường Đại học Tây Nguyên.
2. Về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên
Đây là nhiệm vụ thường xuyên và nhạy cảm thể hiện tình cảm gắn bó giữa Hội với hội viên, giữa hội viên với nhau và kết nối giữa hội viên với Nhà trường, cụ thể là:
- Toàn Hội đã tổ chức thăm hỏi hội viên đau yếu: 167 lượt hội viên; đã mừng thọ 41 hội viên ở tuổi 70, 75, 80. Đã trợ cấp khó khăn 35 lượt hội viên; đã tổ chức viếng 39 lần khi có hội viên hoặc bố, mẹ chồng, vợ, con hội viên qua đời. Toàn bộ kinh phí các hoạt động tiến tới gần 35 triệu đồng.
- Trong dịp tết Nguyên đán hàng năm, Hội đều gửi tặng lịch của Nhà trường và có năm gửi thiệp chúc tết của Hội tới các gia đình hội viên. BCH và BTV Hội phân công đi chúc tết nhà trường và các hội viên cao tuổi. Các chi hội tổ chức đu chúc tết lẫn nhau.
- Mặc dù còn nhiều khó khăn, Hội đã cố gắng tổ chức 2 chuyến đi tham quan du lịch trong nước 4 ngày và nước bạn Campuchia 5 ngày, kinh phí 2 chuyến tham quan du lịch gần 91 triệu đồng.
- Theo chỉ đạo của Trung ương Hội CGC Việt Nam, Hội đã tổ chức khảo sát 33 hội viên là các nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn từ 01/01/1994 đến 01/5/2011 để Chính phủ giải quyết phụ cấp thâm niên.
- Hội khuyến khích các hội viên tham gia các Câu lạc bộ dưỡng sinh và câu lạc bộ thơ do địa phương tổ chức. Riêng Hội tổ chức 1 tổ câu lạc bộ dưỡng sinh – văn nghệ duy trì được 5 năm nay.
3. Về tham gia xây dựng Nhà trường và xây dựng cộng đồng địa phương nơi cư trú
Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của Hội để phát huy vai trò và trách nhiệm của hội viên Hội CGC với Nhà trường và cộng đồng địa phương, cụ thể là:
- Hội đã phổ biến và triển khai thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo làm việc với Trung ương Hội CGC Việt Nam (năm 2010) về sự phối hợp công việc để phát hiện tình hình chăm lo đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Từ đó Ban Thường vụ đã làm việc với lãnh đạo Nhà trường và công đoàn để cùng nhau phối hợp; đã huy động trí tuệ tập thể Hội CGC cùng tham gia một số việc có hiệu quả.
- Hội đã khuyến khích các nhà giáo (nhất là nhà giáo mới nghỉ hưu) tham gia đào tạo đại học và đào tạo cao học; tham gia nghiên cứu KHKT ở địa phương, biên soạn sách làm tư liệu quý cho ngành cà phê… có hội viên đã nhận được giải thưởng của tỉnh.
- Nhiều hội viên đã tham gia công tác xã hội ở địa phương, nhất là công tác khuyến học, hầu hết gia đình hội viên đều được công nhận là gia đình hiếu học, gia đình văn hóa, có hội viên được Trung ương Hội Khuyến học tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”.
- Theo chỉ đạo của Trung ương hội, Hội đã tổ chức tập hợp ý kiến đóng góp của nhiều nhà giáo về: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, đồng thời tổ chức Hội thảo với 5 tỉnh Tây Nguyên về chủ đề trên tại tỉnh Đắk Lắk ngày 20 tháng 6 năm 2012 và gửi về Trung ương Hội tổng hợp báo cáo với Trung ương Đảng ở Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI).
Quá trình thành lập và hoạt động của Hội CGC trường Đại học Tây Nguyên trong gần 8 năm qua mới chỉ là bước khởi đầu. Quá trình hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng rằng trong những năm tới hoạt động của Hội sẽ ngày càng hiệu quả hơn để xây dựng Hội vững mạnh toàn diện.
BAN CHẤP HÀNH HỘI CỰU GIÁO CHỨC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY NGUYÊN KHÓA II (2010-2015)