Gắn kết nghiên cứu với thực tiễn, lan tỏa giá trị vì một nền nông nghiệp bền vững.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng như dịch bệnh diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, cùng với yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường về an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh đó, an toàn sinh học trong chăn nuôi đang trở thành một trong những giải pháp cốt lõi, góp phần bảo vệ sức khỏe vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác an toàn sinh học, ngày 25/4/2025, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Một số giải pháp An toàn sinh học trong chăn nuôi". Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kết nối giữa Nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp – chăn nuôi.
Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của 140 đại biểu đến từ 30 cơ quan, doanh nghiệp, công ty trong cả nước, cùng sự góp mặt của các chuyên gia quốc tế. Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có sự hiện diện của PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Lãnh đạo Phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế, lãnh đạo khoa Nông Lâm nghiệp; lãnh đạo khoa, giảng viên, cán bộ và học viên cao học Khoa Chăn nuôi Thú y.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Lê Đức Niêm - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn sâu sắc đến các đơn vị, chuyên gia và doanh nghiệp đã đồng hành cùng Nhà trường trong sự kiện này. Đồng thời, PGS.TS Lê Đức Niêm nhấn mạnh vai trò to lớn của ngành chăn nuôi trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những thách thức lớn mà ngành đang đối mặt như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…thì an toàn sinh học sẽ là giải pháp, là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và hiện đại, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên.
PGS.TS Lê Đức Niêm - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Tọa đàm
Là một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của khu vực, Trường Đại học Tây Nguyên luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học – chuyển giao kỹ thuật, nhằm phục vụ thiết thực cho sự phát triển của địa phương và khu vực. Buổi tọa đàm là minh chứng cụ thể cho nỗ lực đó, khi trở thành diễn đàn học thuật – kết nối – chia sẻ, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và người học cùng trao đổi chuyên môn và lan tỏa giá trị thực tiễn.
Chủ tọa phiên thứ nhất
Chủ tọa phiên thứ 2
Trong khuôn khổ tọa đàm, đã có 11 báo cáo khoa học được trình bày, trong đó có 3 báo cáo đến từ các chuyên gia quốc tế và 2 báo cáo của Khoa Chăn nuôi Thú y – Trường Đại học Tây Nguyên. Các báo cáo tập trung vào những nội dung trọng tâm như: thực trạng ngành chăn nuôi khu vực Tây Nguyên, giải pháp tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi thông qua dinh dưỡng, miễn dịch; công nghệ kháng sinh, dược liệu; và các phương pháp, công cụ áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm.
Phần thảo luận sôi nổi giữa các đại biểu và chuyên gia đã mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, đóng góp nhiều giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng an toàn sinh học trong thực tiễn. Qua đó, buổi tọa đàm không chỉ là nơi chia sẻ học thuật mà còn mở ra cơ hội hợp tác, kết nối giữa Nhà trường và doanh nghiệp, tạo nền tảng cho phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, hiện đại và hiệu quả.
ThS. Nguyễn Đức Điện - Phó trưởng Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa Trường Đại học Tây Nguyên trình bày Báo cáo: “Tổng quan ngành chăn nuôi tại khi vực Tây Nguyên”
Ông Hoàng Công Minh - Giám đốc Sản xuất Miền Nam Công ty CP Nông Nghiệp BAF Việt Nam
TS. Đặng Hoàng Lâm – PGĐ Công ty cổ phần Thú y Megavet Việt Nam trình bày Báo cáo: “Dinh dưỡng miễn dịch – giải pháp xanh hóa trong chăm sóc sức khỏe vật nuôi”
Ông Ywert Visser – Giám đốc Công ty TNHH Farm Innovations(Schippers Việt Nam) trình bày Báo cáo: “Kinh nghiệm thực tế đối phó với ASF và quy trình thao tác chuẩn (SOP) cho người, phương tiện vận chuyển và vật tư”
Bên cạnh nội dung Tọa đàm chuyên môn, sự kiện còn có khu vực trưng bày sản phẩm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Các gian hàng đã giới thiệu đến đại biểu những giải pháp công nghệ tiên tiến như: sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi, chế phẩm sinh học, vaccine, thuốc thú y, thiết bị hỗ trợ an toàn sinh học… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối hợp tác, đồng thời giúp người tham dự tiếp cận các ứng dụng mới nhất phục vụ sản xuất chăn nuôi an toàn – bền vững.
Khu vực trưng bày các sản phẩm trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y
ThS. Nguyễn Đức Điện – đại diện Ban tổ chức tặng hoa các Báo cáo viên
ThS. Nguyễn Đức Điện – đại diện Ban tổ chức tặng quà và trao Thư cảm ơn các nhà tài trợ
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm
Phòng Truyền thông và TVTS