Hội nghị lần thứ 10 của Nhóm chuyên gia Voi Châu Á (AsESG) thuộc Ủy ban sinh tồn loài (Species survival Commission – SSC), Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) được AsESG phối hợp với Cục động vật hoang dã Sabah, Malaysia tổ chức tại Kota Kinabalu, Sabah, Malaysia từ ngày 04 – 06 tháng 12 năm 2019. Tham dự hội nghị có 130 thành viên AsESG và thành viên mở rộng là đại diện các tổ chức chính phủ có liên quan đến bảo tồn của 13 quốc gia có Voi Châu Á, các tổ chức đối tác, cũng như các chuyên gia về voi trên toàn cầu và các nhà bảo tồn ở Sabah.
TS. Cao Thị Lý, phó trưởng khoa Nông Lâm nghiệp, trường Đại học Tây Nguyên tham dự với tư cách là thành viên của AsESG ở Việt Nam. Cùng tham dự hội nghị này, ở Việt Nam còn có 03 đại biểu khác gồm 01 cán bộ thuộc tổ chức WWF Việt Nam là thành viên AsESG, 01 cán bộ thuộc Vụ Bảo tồn, tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và 01 thành viên thuộc tổ chức Humane Society International ở Việt Nam có triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề “Xung đột Voi – Người” (Human Elephan Conflict – HEC) ở Đồng Nai.
TS. Cao Thị Lý, phó trưởng khoa Nông Lâm nghiệp, trường Đại học Tây Nguyên tham gia hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu Việt Nam đã nghe các bài trình bày thực trạng kế hoạch hành động bảo tồn Voi của các nước Ấn Độ, Bhutan, Sumatra (Indonesia); những kinh nghiệm được chia sẻ liên quan đến nhiều khía cạnh của bảo tồn voi Châu Á như giải quyết và giảm nhẹ HEC, cải tạo môi trường sống cho voi, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi đối với voi thuần dưỡng, ngăn chặn nạn buôn bán các sản phẩm từ voi, ...Tất cả thành viên AsESG đã cùng trao đổi với các chuyên gia và các nhà bảo tồn địa phương về các mối đe dọa, thách thức, ảnh hưởng đến việc bảo tồn voi Châu Á. Hội nghị cũng đã dành riêng một buổi để thảo luận về các vấn đề bảo tồn voi ở Sabah, Malaysia. Những hoạt động, kinh nghiệm bảo tồn voi ở địa phương rất hữu ích để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam học hỏi. Trong ngày cuối của hội nghị, chủ tịch AsESG đã trao đổi riêng với nhóm thành viên và đại biểu đến từ Việt Nam về việc rà soát lại kế hoạch hành động bảo tồn voi Việt Nam; trao đổi thông tin và liên lạc giữa các thành viên AsESG Việt Nam với chuyên gia AsESG, thúc đẩy triển khai các hoạt động cụ thể về bảo tồn voi ở Việt Nam, cũng như tiếp tục các hoạt động nghiên cứu có liên quan và chia sẻ kết quả.
TS. Cao Thị Lý cùng nhóm nghiên cứu chuyên ngành, thuộc khoa Nông Lâm nghiệp, trường Đại học Tây Nguyên hiện đang thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ (Mã số: B2018-TTN02) triển khai tại tỉnh Đắk Lắk, liên quan đến vấn đề “Giảm nhẹ xung đột Voi – Người”. Do vậy, những kinh nghiệm từ hoạt động bảo tồn voi, nghiên cứu ứng dụng của các quốc gia trong khu vực, cùng những chia sẻ của các chuyên gia Voi Châu Á rất hữu ích và thiết thực để thành viên tham dự học hỏi, cập nhật trong điều kiện nghiên cứu ở địa phương và chia sẻ với các cơ quan liên quan ở Việt Nam về bảo tồn Voi. Thông qua hội nghị, đại biểu tham dự của trường Đại học Tây Nguyên cũng đã tạo được mối quan hệ với các chuyên gia về voi Châu Á, để có thể tiếp tục chia sẻ thông tin và hỗ trợ trong đào tạo và nghiên cứu bảo tồn Voi ở Tây Nguyên và Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Nội dung và hình ảnh do TS. Cao Thị Lý – Phó trưởng khoa NLN cung cấp
ONLINE
We have 3854 guests and no members online