Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QQĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích, duy trì và phát triển việc đọc sách trong cộng đồng. Với mục tiêu xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường, trong khuôn khổ các hoạt động hướng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8, tối ngày 19/4/2021, tại Nhà Điều hành, Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi Tọa đàm “Văn hóa đọc với sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên”.
Về tham dự Tọa đàm, về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Hội viên – Nguyên Trưởng ban sáng tác trẻ; nhà văn Nguyễn Đình Tú – Hội viên – Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà văn Niê Thanh Mai – Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk;
Về phía các nhà tài trợ có ông Trịnh Văn Dũng – Phó GĐ VNPT Đắk Lắk, ông Nguyễn Anh Dũng – Đại diện công ty Sbooks;
Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có PGS.TS. Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng, TS. Trương Thị Hiền – Trưởng khoa Sư phạm, TS. Trương Thông Tuần – Giám đốc TT Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên; ThS, Vũ Thị Giang – Giám đốc Thư viện Trường, ThS. Ngô Thế Sơn – Chủ tịch Hội SV Trường cùng quý thầy cô giáo và đông đảo sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.
Tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách. Trên tinh thần đó, Trường Đại học Tây Nguyên đã có rất nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh, tạo dựng và phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, sinh viên và học sinh. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống Thư viện tạo môi trường đọc sách thân thiện, hằng năm, Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sách, nhà tài trợ tổ chức các hoạt động như triển lãm sách, tặng sách và cũng là cơ hội cho học sinh, sinh viên trong Trường có thể lựa chọn sách và nuôi dưỡng, phát triển thói quen đọc sách.
Cuộc thi “Đọc và cảm nhận” đã được Nhà trường tổ chức với mục đích nâng cao năng lực đọc sách cũng như phát triển phong trào đọc sách trong sinh viên. Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ đọc” cho các bạn sinh viên nhằm hưởng ứng việc phát triển văn hóa đọc trong phạm vi toàn quốc.
Nhân dịp này, thầy Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà văn đã dành sự quan tâm đối với Trường Đại học Tây Nguyên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk và các nhà tài trợ: Công ty Sbooks, VNPT Đắk Lắk đã kết nối và đồng hành cùng Nhà trường để tổ chức sự kiện ý nghĩa này.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi Tọa đàm
Nhà văn Niê Thanh Mai – Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát biểu
Đại diện Nhà trường tặng hoa cảm ơn các nhà văn
Đại diện Nhà trường tặng hoa cảm ơn các nhà tài trợ
Các nhà tài trợ tặng sách cho Trường Đại học Tây Nguyên
Buổi Tọa đàm nằm trong chuỗi các sự kiện Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức nhằm hướng tới Ngày Sách Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 tôn vinh văn hóa đọc đồng thời cũng là cơ hội quý giá để sinh viên đặc biệt là sinh viên ngành Ngữ văn được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ những tên tuổi lớn trong văn đàn Việt Nam.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là một trong những đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam thời hậu chiến với phong cách rất riêng, nội lực dồi dào, dạt dào cảm xúc về đề tài hiện thực. Đến nay, nhà văn đã xuất bản trên 20 tập truyện ngắn cùng nhiều tiểu thuyết và bút ký như: “Tường thành”, “Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào”, “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, “Chuyện của con gái người hát rong”, “Kẻ đối đầu”… và rất nhiều tác phẩm khác để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú in dấu ấn văn chương của tác giả trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại với những tiểu thuyết: “Hoang tâm”, “Hồ sơ một tử tù”, “Phiên bản”, “Bên dòng sầu diện”, “Xác phàm”, “Kín”, “Cô Mặc Sầu”, “Bãi săn”,…
Nhà văn Niê Thanh Mai là cựu sinh viên ngành Ngữ văn của Trường Đại học Tây Nguyên, hiện nay giữ vai trò là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắl Lắk. Là người con của núi rừng Tây Nguyên, nhà văn tạo ấn tượng đặc biệt bằng giọng văn dung dị nhưng sang trọng, từng bước dẫn người đọc về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, hòa mình vào vùng văn hóa trầm tích với các tác phẩm: “Suối của rừng”, “Về bên kia núi”, “Ngày mai sáng rỡ”, “Phía nào sương thôi rơi”.
Mỗi cuốn sách hay mở ra một thế giới với bao điều lý thú và bổ ích; đọc sách là cách để tiếp cận với kho tri thức vô tận của nhân loại, hình thành nền tảng văn hóa và tri thức cho mỗi người; từ đó, nâng cao giá trị sống về tinh thần, đem đến cho độc giả nguồn sống tích cực. Hình thành thói quen đọc sách là một quá trình lâu dài, duy trì niềm yêu thích, đam mê đọc sách là thông điệp mà các nhà văn gửi gắm đến các bạn sinh viên tham gia buổi giao lưu, gặp gỡ. Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà văn đã có những trao đổi, chia sẻ với cán bộ và sinh viên tham dự về những vấn đề băn khoăn, trăn trở liên quan đến văn hóa đọc trong xã hội ngày nay.
Các nhà văn tại buổi Tọa đàm
Cán bộ và sinh viên tham gia giao lưu với các nhà văn tại buổi tọa đàm
Các bạn sinh viên tham gia trò chơi giao lưu
TS. Trương Thị Hiền – Trưởng khoa Sư phạm gửi lời cảm ơn đến các nhà văn, các nhà tài trợ, Lãnh đạo Trường và cán bộ, sinh viên tham dự buổi Tọa đàm
Các tiết mục văn của các bạn sinh viên Khoa Sư phạm
Trung tâm Thông tin