Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập Quốc tế, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa dân tộc kết hợp học hỏi tinh hoa văn hóa nhân loại đặc biệt được chú trọng và quan tâm. Trường Đại học Tây Nguyên đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống có vai trò chức năng rất quan trọng bên cạnh công tác đào tạo và nghiên cứu thì nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc là sứ mạng cao cả. Vì vậy, vấn đề giáo dục công tác bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên được Nhà trường rất chú trọng. Sáng 15/12/2021, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên tổ chức hội thảo “Giáo dục công tác bảo tồn văn hóa dân tộc cho cán bộ và sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên”. Tham dự hội thảo có PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên, đại diện các Khoa, Phòng; các báo cáo viên cùng quý thầy cô và đại diện các bạn sinh viên.
Chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: Nền văn hóa Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử đã trở thành điểm tựa vững chắc, là nguồn lực to lớn tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong lịch sử. Với một nội dung quan trọng trong Sứ mạng của Nhà trường là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc song hành với Triết lý giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, các hoạt động về giáo dục công tác bảo tồn văn hóa dân tộc cho cán bộ và sinh viên Trường được đặc biệt quan tâm. Quá trình hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa tộc người như hiện nay đã có những tác động nhất định, làm thay đổi phương thức tư duy, lối sống của cán bộ, giảng viên, sinh viên theo hướng hiện đại và tích cực, chủ động hơn. Trước xu hướng hội nhập, biến đổi, song song với việc trao truyền di sản văn hóa dân tộc, giảng viên và học sinh, sinh viên tại Trường Đại học Tây Nguyên có điều kiện bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, tiếp thu tri thức mới ngày càng thuận lợi. Hội thảo chính là nhịp cầu kết nối tâm huyết, trí tuệ trong công tác giáo dục nhận thức, bảo tồn văn hóa dân tộc cho cán bộ và sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.
PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc hội thảo
Với 13 báo cáo tham luận được lựa chọn từ các bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa trong và ngoài Trường, hội thảo đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Kết quả Hội thảo khoa học là một minh chứng sinh động về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc đồng thời đóng góp các giải pháp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC BÁO CÁO VIÊN TRÌNH BÀY THAM LUẬN
Với các tham luận được trình bày tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đánh giá công tác giáo dục về nhận thức bảo tồn văn hóa dân tộc của Trường trong thời gian qua đồng thời là cơ sở, tạo tiền đề để mở ngành đào tạo và các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân tộc, đáp ứng thời kỳ hội nhập và chuẩn hóa giáo dục đại học trong bối cảnh phát triển như hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm
Phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh