Chiều 2/10, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà Hoàng Thị Hạnh - Nguyên Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk và hơn 200 thầy cô giáo, sinh viên của các trường đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên, gồm: Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng; Đại học Nha Trang; Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, Trường Đại học Đà Lạt, Phân hiệu trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai; về phía Trường Đại học Tây Nguyên có PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong toàn Trường.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để tất cả đại biểu, sinh viên, thanh niên được trao đổi, chia sẻ, đồng thời lắng nghe, ghi nhận những thông tin cần thiết, ý nghĩa phục vụ cho công việc, cho sự phát triển của bản thân và cho mong muốn đóng cho cộng đồng của mỗi người. Đối với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các ngành liên quan, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận rõ hơn nữa vai trò của thanh niên, sinh viên trong tham gia thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mọi người để có những cơ chế, chính sách phát huy sự đóng góp quan trọng của lực lượng này, đặc biệt là đề xuất cơ chế phát huy trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2 – giai đoạn 2026 - 2030.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền -  Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Là đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên, PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã chia sẻ, Hội thảoThúc đẩy vai trò tiên phong của Thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa, nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm thúc đầy bình đẳng giới và phát huy vài trò của thanh viên dân tộc trong công cuộc thay đổi những định kiến, khuôn mẫu giới đang tồn tại. Đây không chỉ là sự khẳng định về tầm quan trọng của việc xóa bỏ định kiến giới mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về việc nâng cao vai trò của thanh niên dân tộc thiểu số, giúp họ trở thành những nhân tố tiên phong trong công cuộc phát triển xã hội bền vững.

PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận, xác định, nhận diện rõ hơn những vấn đề như: Bất bình đẳng giới đang đặt ra ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; những khuôn mẫu và định kiến giới nào là nguyên nhân gây nên những bất bình đẳng giới; những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò, tiếng nói và sự tham gia của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục còn lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường hơn nữa sự tham gia của thanh niên dân tộc thiểu số vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Sinh viên Triệu Thị Nhung - lớp 23SGC, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng cục Nhà giáo và cán bộ quản lý – Phó trưởng ban Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành Giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày báo cáo tại Hội nghị

TS. Vũ Minh Chiến – Phó Trưởng phòng CTSV – Trường Đại học Tây Nguyên trình bày tham luận tại Hội thảo

Thay mặt Ủy ban Dân tộc, Bà Hoàng Thị Hạnh - Nguyên Thứ trưởng,- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, thanh niên dân tộc thiểu số mới hiểu thật sự về đồng bào, bản sắc văn hóa trong đời sống của dân tộc mình. Họ sẽ có phương pháp từng bước đẩy lùi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, tuy nhiên, đây không phải là việc một sớm, một chiều. Do đó, để xóa bỏ những định kiến này cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện, cỗ vũ cho thanh niên thực hiện khát vọng của mình. Thanh niên cần học tập nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng cho các thế hệ bằng việc sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa truyền thống, khát vọng tạo việc làm, bừng sáng bản làng, dân ca, dân vũ...

Bà Hoàng Thị Hạnh - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ một số thông tin tại Hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động trưng bày hình ảnh, ấn phẩm tuyên truyền và sản phẩm văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số của các trường đại học tham gia Hội thảo.

Không gian trưng bày sản phẩm của Trường Đại học Tây Nguyên

Tối cùng ngày đã diễn ra Chương trình Giao lưu trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Chương trình có sự tham gia của 6 đội sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu đến từ 6 trường đại học khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm: Đại học Tây Nguyên, Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng; Đại học Nha Trang; Đại học Nông Lâm – Đại học Huế; Đại học Đà Lạt; Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai.

Các đội tham gia chương trình

Các đội thi trình diễn 1 sáng kiến/hoạt động truyền thông (gồm các thể loại như: tiểu phẩm và các sản phẩm/ấn phẩm truyền thông dạng video clip, ảnh) với nội dung liên quan đến nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số, tuyên truyền xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu, giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, thanh niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đánh giá của ban tổ chức, phần trình diễn sáng kiến truyền thông của các đội đều rất sáng tạo, truyền tải được những thông điệp ý nghĩa nhằm chung tay đẩy lùi định kiến giới, khuôn mẫu giới. Nhiều tiết mục có tính ứng dụng cao có thể sử dụng để tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin.

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội thi Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai; Nhì: Đại học Tây Nguyên, Đại học Nha Trang; Ba: Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng; Đại học Nông Lâm – Đại học Huế và Đại học Đà Lạt.

Trường Đại học Tây Nguyên đạt giải nhì của Chương trình

Chương trình nhằm tìm kiếm, lan tỏa những sáng kiến, cách làm hay trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy những tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo ra diễn đàn để sinh viên, thanh niên cùng chia sẻ, trình diễn cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phòng Truyền thông và TVTS