HỆ THỐNG XẾP HẠNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC WEBOMETRICS
Xếp hạng Webometrics tháng 01/2023: Trường Đại học Tây Nguyên đứng thứ 75/184 trường đại học được xếp hạng tại Việt Nam (theo www.webometrics.info câp nhật vào 01/2023).
Trong bốn tiêu chí xếp hạng, Trường Đại học Tây Nguyên (Tay Nguyen University - TNU) là một trong những trường đại học có thứ hạng về tiêu chí Độ mở (Openness) tốt của Việt Nam năm 2023 (thứ hạng 3747). Tiêu chí này được tính dựa trên 310 hồ sơ nhà khoa học của TNU có số trích dẫn lớn nhất trong ứng dụng Google Scholar. Đây là kết quả của sự cố gắng không ngừng của cán bộ, giảng viên của TNU đóng góp vào cộng đồng học thuật thế giới được thống kê trên Google Scholar.
Trường Đại học Tây Nguyên xếp hạng thứ 75/184 Trường đại học tại Việt Nam, theo xếp hạng của Webometrics, cập nhật tháng 01/2023 (http://www.webometrics.info/en)
Bên cạnh việc kiểm tra cơ sở giáo dục đại học cấp bằng được công nhận tại chính quốc gia quản lý cơ sở đó, việc tham khảo xếp hạng (ranking) của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới cũng rất quan trọng cho việc ra quyết định lựa chọn nơi học tập. Học ở các trường xếp hạng cao, uy tín càng bảo đảm cho việc bằng cấp được công nhận cũng như khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp và xa hơn là ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp trong tương lai.
Hiện tại hệ thống xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới có thể tham khảo ở một số bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới tại các địa chỉ sau:
1. THE (Times Higher Education)
Times Higher Education (THE) là tạp chí tin tức chuyên về giáo dục bậc cao (higher education) hay còn gọi là thời báo Times có trụ sở tại London, Anh. Tạp chí xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2014, nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới thường niên THE – QS (tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds – Anh). Ngoài bảng xếp hạng đại học thế giới, THE còn cung cấp bảng xếp hạng theo khu vực, theo từng quốc gia, bảng xếp hạng đại học trẻ.
(https://www.timeshighereducation.com/world-university...)
Trang này thường xếp hạng các trường dựa trên 13 yếu tố được chia thành 5 lĩnh vực:
i. Giảng dạy (30%):
ii. Nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng): 30%
iii. Trích dẫn (tầm ảnh hưởng nghiên cứu): 30%
iv. Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu sinh): 7.5%
v. Thu nhập ngành (nhờ chuyển giao kiến thức): 2.5%
2. QS World University Rankings (QS Rankings)
QS Rankings là bảng xếp hạng ra đời từ năm 2004 công bố về thứ hạng các trường ĐH trên thế giới của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh Quốc, và đây cũng được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, đồng thời là một trong những bảng xếp hạng ĐH phổ biến nhất trên thế giới.
(https://www.topuniversities.com/)
Từ 2004 đến 2009, QS hợp tác với Times Higher Education (THE) phát hành bảng xếp hạng thường niên các trường đại học thế giới đồng thời là nhà cung cấp cơ sở dữ liệu để xếp hạng.
Được công nhận toàn cầu và cung cấp bởi nhà cung cấp giáo dục Quacquarelli Symonds, Bảng xếp hạng QS World University Rankings sử dụng phương pháp đánh giá theo 6 tiêu chí chính, bao gồm: danh tiếng về học thuật, danh tiếng trong tuyển dụng, tỷ lệ giảng viên / sinh viên, số lượng trích dẫn mỗi khoa, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế.
i. Danh tiếng về học thuật (40%)
ii. Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên (20%)
iii. Danh tiếng của nhà tuyển dụng (10%)
iv. Số lượng trích dẫn mỗi khoa (20%)
v. Tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%)
vi. Tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
Bên cạnh đó, QS còn có hệ thống đánh giá khác nhằm mô tả bức tranh rộng hơn, từ khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp đến chất lượng công trình thể thao. Xét hơn 50 chỉ tiêu, QS gắn từ một đến năm sao cho các trường trên tám lĩnh vực, hoặc xếp hạng đại học theo khu vực, top 50 trường dưới 50 tuổi, đại học đào tạo tốt nhất theo chuyên ngành cụ thể, thành phố lý tưởng dành cho sinh viên, …
3. Academic Ranking of World Universities (ARWU)
Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng đại học thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu của bên thứ ba.
Website của Sanghai Ranking đưa thông tin về xếp hạng về học thuật của các trường đại học trên thế giới (Academic Ranking of World Universities) http://www.shanghairanking.com
ARWU xây dựng bốn tiêu chí chính, bao gồm chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).
Về chất lượng giáo dục, bảng xếp hạng xem xét tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields – những người có bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ cơ sở giáo dục.
Về chất lượng giảng viên cũng dựa trên số giảng viên được giải Nobel và huy chương Fields (20%), số nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều thuộc 21 lĩnh vực (20%). Số liệu trích dẫn lấy từ Thomson Reuters.
Về nghiên cứu khoa học, số bài báo xuất bản trên tạp chí Nature and Science chiếm 20% đánh giá tổng thể, số bài báo được trích dẫn trong hệ thống các tạp chí Science Citation Index Expanded (SCIE) và Social Science Citation Index (SSCI) chiếm 20%.
Về năng suất học thuật bình quân được tính bằng cách chia tổng điểm các mục trên cho tổng số cán bộ toàn thời gian của cơ sở, chiếm 10% kết quả bảng xếp hạng.
Như vậy, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải chủ yếu sử dụng số liệu công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học.
4. Webometrics (Ranking web of university)
Tháng 1 năm 2016 (January 2016 Edition: 2016.1.1), Phòng thí nghiệm Cybermetrics, thuộc Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC), một tổ chức xếp hạng thư viện điện tử số (webometrics) có uy tín, trụ sở chính tại Tây Ban Nha, đã đưa ra Bảng “Xếp hạng web các trường đại học ở Việt Nam - Vietnam / Ranking Web of Universities”.
Webometrics được công bố lần đầu vào năm 2004 và được cập nhật định kỳ hai lần mỗi năm vào tháng 01 và tháng 07. Vào tháng 01/2023, Webometrics đã công bố danh sách xếp hạng 184 trường đại học công lập, ngoài công lập tại Việt Nam.
Theo đó, những vị trí top đầu vẫn thuộc về các trường đại học có uy tín tại Việt Nam: Vi trí số 1 = Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU); Số 2 = Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), Số 3 = Trường Đại học Duy Tân (DTU), Số 4 = Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Số 5 = Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, …
Top 10 Trường Đại học của Việt Nam, theo xếp hạng của Webometrics, cập nhật tháng 01/2023 (http://www.webometrics.info/en)
Về phương pháp xếp hạng năm 2019, Webometrics đã có sự điều chỉnh về trọng số của các tiêu chí xếp hạng, trọng số của tiêu chí quy mô website (Presence) giảm xuống còn 5% (lần đánh giá trước 10%), tuy nhiên từ thời điểm 01/2021 tiêu chí này đã không được sử dụng để đánh giá. Thay vào đó, Tiêu chí Hiển thị (Visibility, Web contents Impact: ảnh hưởng của website) có nghĩa là số lượng mạng liên kết đến các trang web của tổ chức được truy xuất từ nguồn Ahrefs Majestic có trọng số cao nhất với tỷ lệ 50%. Tiêu chí Xuất sắc (Excellence, Top cited papers), đánh giá chất lượng công bố khoa học dựa trên cơ sở dữ liệu Scimago (là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt các bài báo khoa học), tăng lên 40%. tiêu chí Tính mở (Transparency/Openess, Top cited researchers) liên quan đến số lượng trích dẫn các công trình của các nhà khoa học hàng đầu của đơn vị được trích dẫn trong 5 năm chiếm trọng số 10% (dựa trên số liệu của Google Scholar). Việc điều chỉnh này của Webometrics nhằm gia tăng mức độ đánh giá chất lượng học thuật của các cơ sở giáo dục đại học. Trong kỳ xếp hạng này (01/2023), Webometrics vẫn duy trì phương pháp xếp hạng như ở kỳ trước. Cụ thể, tiêu chí Visibility (Mức độ ảnh hưởng) có trọng số cao nhất (50%), tiếp theo là tiêu chí Excellence (Sự xuất sắc) có trọng số 40% và tiêu chí Transperency (Độ mở học thuật) có trọng số 10%. Tuy nhiên, trong kì xếp hạng này, tiêu chí Transperency đo lường số trích dẫn của 310 tác giả hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học trên hệ thống Google Scholar thay vì 210 tác giả hàng đầu như các kỳ xếp hạng trước.
Kết quả trên đây là tổng hòa của sự nỗ lực của tập thể viên chức và người lao động trong toàn Trường và quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đồng bộ của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu. Mặc dù kết quả xếp hạng đang còn khá khiêm tốn, song đây là thành quả đáng ghi nhận để Nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng mọi hoạt động góp phần đưa Trường Đại học Tây Nguyên ngày càng phát triển vươn tầm khu vực và hội nhập quốc tế. Hy vọng trong thời gian tới đây, với sự quan tâm của tập thể viên chức và người lao động trong toàn Trường về văn hóa chất lượng và xếp hạng Trường Đại học, thứ hạng của Trường Đại học Tây Nguyên sẽ có nhiều cải thiện tốt hơn.
Tin bài: TS. Trần Văn Cường – Phòng Quản lý chất lượng (Nguồn: Tham khảo từ nhiều nguồn)