LẦN ĐẦU TIÊN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY NGUYÊN CÓ 02 CTĐT ĐẠT CHUẨN CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN AUN-QA

Ngày 08/10/2024, Giám đốc Điều hành của Tổ chức mạng lưới các trường Đại học ASEAN (AUN) đã gửi thư chúc mừng Nhà trường, theo đó, Trường Đại học Tây Nguyên (TNU) lần đầu tiên có 02 chương trình đạt chuẩn AUN-QA.

Hai chương trình được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA đợt này là Chương trình đào tạo Kinh tế (Economics thuộc Khoa Kinh tế), Ngôn ngữ Anh (English Linguistics thuộc Khoa Ngoại ngữ). Đây là các chương trình đào tạo được đánh giá trong Lần thứ 394, diễn ra từ ngày 25-27/6/2024 theo hình thức trực tiếp (Onsite).

 

Thư chúc mừng CTĐT Kinh tế (Economics) đạt chuẩn

Thư chúc mừng CTĐT Ngôn ngữ Anh (English Linguistics) đạt chuẩn

 

Đợt đánh giá lần này 02 CTĐT của Nhà trường được đánh giá dựa trên Mô hình bảo đảm chất lượng (BĐCL) cấp CTĐT theo AUN-QA phiên bản 4.0. Tại Việt Nam, mô hình BĐCL cấp CTĐT của AUN-QA (Hệ thống bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN, ASEAN University Network - Quality Assurance) được tiếp cận khá sớm và phổ biến, gần như trở thành định hướng trong phát triển giáo dục đại học. AUN-QA áp dụng chu trình cải tiến liên tục PDCA (Plan-Do-Check-Act) trong xây dựng, vận hành, phát triển và cải tiến chất lượng, bao quát toàn diện các cấu phần của hệ sinh thái giáo dục đại học ở cấp CTĐT, chú trọng đến tính hệ thống và quy trình BĐCL. Mô hình đánh giá và BĐCL của AUN-QA đối với cấp CTĐT tập trung vào chất lượng của các chương trình giáo dục dựa trên các khía cạnh sau: Chất lượng đầu vào; Chất lượng các quy trình; Chất lượng đầu ra.

 

Mô hình BĐCL cấp CTĐT theo AUN-QA phiên bản 4.0 (trích Tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo theo AUN-QA 4.0)

Sau các lần cập nhật và cải tiến, phiên bản AUN-QA 4.0 tập trung nhiều hơn vào các vấn đề liên quan đến việc quản lý chương trình và các yếu tố đóng góp vào đầu ra/chuẩn đẩu ra/kết quả học tập mong đợi của người học. Như vậy “giáo dục dựa trên đầu ra” = Outcome based education (OBE) đóng vai trò then chốt trong phát triển CTĐT theo mô hình BĐCL của AUN-QA. Đến phiên bản AUN-QA 4.0, một số yêu cầu mới được bổ sung như: khái niệm về “đổi mới sáng tạo” và sự cần thiết phải phát triển “tư duy khởi nghiệp” cho người học; Đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết của việc thu thập thông tin phản hồi của các bên liên quan và thực hiện cải tiến.

VÌ SAO LỰA CHỌN THEO ĐUỔI KIỂM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO BỘ CHUẨN AUN-QA?

Với quy trình kiểm định chặt chẽ, minh bạch; bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo và được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong và ngoài trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), kiểm định AUN giúp các trường ĐH Việt Nam từng bước xác định vị thế của mình trên trường quốc tế. Việc tham gia kiểm định AUN sẽ mang lại các lợi ích sau đây:

  • Trường Đại học: khẳng định sự cam kết của nhà trường đối với xã hội, với nhà tuyển dụng về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo, đó là nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt.
  • Sinh viên: Sinh viên học các chương trình được AUN-QA đánh giá và công nhận sẽ dễ dàng thực hiện trao đổi sinh viên (student exchange) hoặc chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học trong khu vực. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm trong thị trường khu vực và quốc tế.
  • Doanh nghiệp: Kết quả kiểm định AUN-QA giúp người sử dụng lao động có một cơ sở tin cậy để tìm kiếm nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, từ một chương trình đào tạo có những tham chiếu chất lượng mang tính quốc tế hóa.
  • Xã hội: Kết quả kiểm định AUN-QA là định hướng trong việc chọn trường của phụ huynh và học sinh

Mặc dù đây là lần đầu tiên Trường Đại học Tây Nguyên tiếp cận và đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo Tiêu chuẩn khu vực ASEAN (AUN), nhưng với nỗ lực và quyết tâm của tập thể Nhà trường, hai chương trình đào tạo đã được AUN công nhận đạt chuẩn kiểm định khu vực Đông Nam Á. Kết quả này thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám hiệu và sự đồng lòng của tập thể cán bộ - viên chức nhà trường. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường, từng bước hội nhập với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong xây dựng, phát triển, bảo đảm và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Điều này khẳng định với xã hội và các bên liên quan trong nước và khu vực ASEAN về những cam kết của Trường Đại học Tây Nguyên trong việc không ngừng nâng cao chất lượng trên mọi mặt, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế.

Tin, bài: Phòng QLCL