Ngày 13/3/2025, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức buổi tập huấn về Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT và Bộ tiêu chuẩn AUN-QA 4.0, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT). Chương trình nhằm nâng cao năng lực tự đánh giá CTĐT, thúc đẩy văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục đại học, giúp các đơn vị thực hiện hiệu quả quá trình tự đánh giá và cải tiến chất lượng.

Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh:

“Nội dung tập huấn cần tập trung vào các điểm cốt lõi của Thông tư 04/2025 cũng như các tiêu chí đánh giá theo AUN-QA 4.0, giúp các đơn vị trong trường có sự chuẩn bị tốt hơn trong công tác kiểm định chất lượng CTĐT các trình độ. Đây là bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục quốc tế.”

“Thông tư mới thể hiện bước tiến lớn trong việc nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm của các trường đại học. Không chỉ dừng lại ở việc kiểm định theo quy trình, mà còn hướng tới việc kiểm định dựa trên kết quả đầu ra, minh chứng thực tế và sự hài lòng của các bên liên quan.” – PGS. TS. Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi tập huấn.

Những điểm mới quan trọng trong Thông tư 04/2025

1. Cải tiến về tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá

- Tối ưu hóa hệ thống tiêu chuẩn: Giảm từ 11 tiêu chuẩn (50 tiêu chí) xuống còn 8 tiêu chuẩn (52 tiêu chí), giúp đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo tính toàn diện.

- Tập trung đánh giá đầu ra của sinh viên: Bao gồm tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm, nghiên cứu khoa học (Tiêu chuẩn 8).

- Yêu cầu đánh giá chuẩn đầu ra tại thời điểm tốt nghiệp (Tiêu chí 1.6), đảm bảo sinh viên đáp ứng thực tế thị trường lao động.

- Nhấn mạnh yếu tố sáng tạo và khởi nghiệp trong giảng dạy (Tiêu chí 3.4), thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học.

2. Cải tiến quy trình kiểm định

- Tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục: Không cần xin ý kiến Cục Quản lý chất lượng khi thực hiện tự đánh giá.

- Chu kỳ kiểm định linh hoạt hơn: Nếu chương trình đạt chuẩn kiểm định cao hơn, chu kỳ kiểm định có thể kéo dài 07 năm (thay vì 05 năm).

- Bỏ các quy định kiểm định riêng lẻ cho từng hình thức đào tạo: Một chương trình sẽ chỉ cần kiểm định một lần, bất kể triển khai theo chính quy, từ xa hay liên kết quốc tế.

3. Cải tiến về công nhận kiểm định và trách nhiệm giải trình

- Thêm điều kiện đạt kiểm định có điều kiện: Nếu chương trình có tối đa 02 tiêu chuẩn hoặc dưới 16 tiêu chí chưa đạt, trường có 24 tháng để cải tiến và nộp lại hồ sơ đánh giá.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm định, số hóa toàn bộ quy trình quản lý chất lượng.

 

"Việc áp dụng tiêu chí điều kiện bắt buộc trong kiểm định sẽ giúp nâng cao tính nghiêm túc của quá trình này. Đồng thời, cho phép các trường có đủ thời gian để cải tiến chất lượng thay vì chỉ tập trung vào quy trình kiểm định hình thức.” – TS. Trần Văn Cường – Phó Trưởng phòng Quản lý Chất lượng chia sẻ tại buổi tập huấn.

Bên cạnh đó TS. Trần Văn Cường chia sẻ: “Chúng ta không chỉ tập trung vào quy trình kiểm định mà cần xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng bền vững, lấy sinh viên làm trung tâm và tạo ra giá trị thực sự cho nhà trường cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.”

ThS. Phạm Thị Oanh – Phòng Quản lý Chất lượng trình bày báo cáo chi tiết về Bộ tiêu chuẩn kiểm định CTĐT theo Thông tư 04/2025

 

Buổi tập huấn giúp các đơn vị trong Trường hiểu rõ tiêu chuẩn đánh giá mới, đồng thời thúc đẩy cải tiến liên tục trong hoạt động đào tạo. Đây là bước quan trọng trong việc triển khai tự đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) và AUN-QA, hướng tới chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục.

Buổi tập huấn kết thúc thành công tốt đẹp, khẳng định cam kết của Trường Đại học Tây Nguyên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và sẵn sàng hội nhập giáo dục toàn cầu.

 TÀI LIỆU TẬP HUẤN

Tin bài: Phòng Quản lý Chất lượng - Trường Đại học Tây Nguyên