Chiều ngày 27/1/2021, tại Văn phòng khoa Nông Lâm Nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức Lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ: “Xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do voi gây ra ở khu vực có xung đột voi – người, trong vùng đệm vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk” (Mã số B2018 – TTN 02) do Tiến sĩ Cao Thị Lý làm chủ nhiệm cùng nhóm nghiên cứu gồm 08 giảng viên, cán bộ của Khoa Nông Lâm Nghiệp thực hiện, với sự tham gia nghiên cứu của 03 học việc cao học khóa 11, 12 và 09 sinh viên đại học các khóa 14, 15 của các ngành Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và Khoa học cây trồng.
Tham dự Lễ bàn giao, về phía Vườn Quốc Gia Yok Đôn (VQGYD) có ông Phạm Tuấn Linh – Giám đốc; về phía Trung tâm Bảo tồn Voi, tỉnh Đắk Lắk (TTBTV) có ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc, ông Đỗ Viết Thụ - Trưởng phòng Bảo tồn Voi hoang dã; về phía Trường Đại học Tây Nguyên có PGS.TS Văn Tiến Dũng – Trưởng phòng KH&QHQT, ThS. Lê Đình Nam – Phó trưởng khoa Nông Lâm Nghiệp (Phụ trách chung), TS. Nguyễn Văn Minh – Phó trưởng khoa – Thành viên đề tài, TS. Cao Thị Lý – Phó Trưởng Khoa – Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia thực hiện đề tài cấp Bộ B2018 – TTN 02.
TS. Cao Thị Lý – Phó Trưởng khoa Nông Lâm Nghiệp – Chủ nhiệm đề tài tuyên bố lý do và giới thiệu sơ qua về kết quả nghiên cứu và sản phẩm của đề tài
Trong những năm gần đây, diện tích rừng và môi trường sinh sống của Voi ngày càng bị thu hẹp, Voi rừng thường xuyên xuất hiện ở các khu vực dân cư sinh sống và canh tác, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các địa phương có Voi rừng. Nhằm góp phần cho hướng nghiên cứu ngăn ngừa và giảm nhẹ xung đột Voi – Người bằng kỹ thuật “cây trồng thay thế” ở Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung, đề tài đã tiếp cận nghiên cứu có sự tham gia để lựa chọn và thử nghiệm các loài cây trồng nông, lâm nghiệp “không hấp dẫn voi” và kỹ thuật canh tác thích ứng tại các khu vực canh tác thường bị Voi rừng gây thiệt hại, của người dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn. Trải qua 2 năm nghiên cứu và tiến hành trồng thử nghiệm, theo dõi, đánh giá và nghiệm thu hiện trường vào cuối năm 2019 đã ghi nhận các kết quả sau: 04 mô hình thử nghiệm trong đó cây Ca ri (Điều nhuộm) được trồng xen theo hàng hoặc trồng làm hàng ranh với các loài cây dài ngày là Tếch, Me thái, Bưởi da xanh, Táo xanh; có thể kết hợp trồng xen theo luống các loài cây ngắn ngày như Môn sọ, Nghệ; Voi rừng ít đột nhập, hoặc có đột nhập nhưng không gây thiệt hại cho các loài cây trồng này; số lượng 10/18 ô thử nghiệm (1.600 m2/ ô) của 06 hộ dân tham gia thử nghiệm có quan tâm chăm sóc (trên tổng số 11 hộ tham gia ban đầu) với tổng diện tích 16.000 m2 vẫn đang được duy trì, chăm sóc và tiếp tục được theo dõi. Trong đó tất cả các hộ đều đã thu hoạch sản phẩm các loài cây ngắn ngày và Ca ri trồng năm thứ nhất. Đây cũng chính là một trong những sản phẩm ứng dụng thực tế mà chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu bàn giao cho VQGYD và TTBTV tiếp tục theo dõi để hỗ trợ các hộ dân duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo. TS. Cao Thị Lý cũng trao đổi những khó khăn, thử thách trong quá trình triển khai các mô hình thử nghiệm với các hộ người dân tộc thiểu số tại chỗ trong vùng đệm VQGYD. Đây cũng là vấn đề mà các đơn vị được chuyển giao cần tiếp tục quan tâm trong quá trình theo dõi, hỗ trợ để có thể đánh giá sát thực hiệu quả của các mô hình sau này.
Bộ kết quả và sản phẩm bàn giao cho mỗi cơ quan, gồm 07 tập tài liệu và 01 CD, với nội dung cụ thể:
- Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt của đề tài
- Tất cả 03 loại sản phẩm của đề tài gồm: Sản phẩm đào tạo, sản phẩm khoa học và sản phẩm ứng dụng. Trong đó, sản phẩm ứng dụng với 03 tập gồm cả phần mô tả và hướng dẫn: Danh mục các loài cây trồng nông lâm nghiệp voi không ưa thích phù hợp trên đất rẫy ở khu vực voi phá trong vùng đệm VQGYD; cơ cấu cây trồng của 04 mô hình thử nghiệm và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do Voi gây ra và diện tích thực tế của 04 mô hình thử nghiệm xen canh cây trồng và kỹ thuật phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương.
Tại lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ, thay mặt Lãnh đạo Trường PGS.TS Văn Tiến Dũng – Trưởng Phòng KH&QHQT cảm ơn vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn Voi - tỉnh Đắk Lắk đã đồng hành và hỗ trợ Nhà trường rất nhiều trong việc tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu và sinh viên thực tập tại hai đơn vị. Đồng chí đã thay mặt nhóm nghiên cứu bàn giao các báo cáo nghiên cứu, các loại sản phẩm đào tạo, khoa học và ứng dụng từ thành quả đạt được của đề tài cho vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời ký kết tiếp bản cam kết phối hợp, hỗ trợ việc tiếp nhận, ứng dụng kết quả đề tài KHCN cấp Bộ với vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk. Trong bản cam kết đã nêu rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan. Chủ nhiệm đề tài và thành viên nhóm nghiên cứu luôn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn dựa trên nhu cầu thực tế theo đề xuất của các đơn vị.
PGS.TS Văn Tiến Dũng – Trưởng Phòng KH&QHQT phát biểu và bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ cho Lãnh đạo vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk
ThS. Lê Đình Nam – Phó trưởng khoa Nông Lâm Ngiệp (Phụ trách chung) phát biểu tại Lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ
Phát biểu tại buổi Lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ từ Trường Đại học Tây Nguyên, ông Phạm Tuấn Linh – Giám đốc Vườn Quốc Gia Yok Đôn và ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi – tỉnh Đắk Lắk đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đây là những sản phẩm có giá trị đã được Chủ nhiệm đề tài và các thành viên nghiên cứu tham gia thực hiện trong suốt 2 năm vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên VQGYD và TTBTV được chuyển giao, tiếp nhận kết quả và sản phẩm của 01 đề tài khoa học công nghệ một cách long trọng và đầy đủ. Lãnh đạo hai đơn vị hy vọng, các kết quả nghiên cứu và sản phẩm đề tài là cơ sở khoa học quan trọng để vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm bảo tồn Voi tỉnh Đắk Lắk nhân rộng các mô hình khả thi, phát triển phạm vi ứng dụng kết quả để góp phần giảm thiểu xung đột Voi – Người tại Đắk Lắk.
Ông Phạm Tuấn Linh – Giám đốc Vườn Quốc Gia Yok Đôn phát biểu tại Lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ
Ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi – tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Lễ bàn giao kết quả và sản phẩm đề tài KHCN cấp Bộ
Trung tâm Thông tin