Page 100 - Khoa Sư Phạm | Kỷ yếu hoạt động khoa học Khoa Sư phạm 2016 - 2020
P. 100
95
Các nhân vật trong truyện Tố Tâm được mô tả theo lối sống thành thị đã được
Tây phương hóa. Nàng thì “học chữ Tây, lấy được bằng sơ học”, được tự do tiếp xúc với
báo chí, được giao tiếp với bạn bè khác giới. Chàng thì mỗi lần đến chơi, hay “đem
những ý tưỏng Tân học mà giảng cho nàng”, “tôi với nàng thường hay đàm luận về văn
chương và thế sự”. Tố Tâm lại là người thông minh: “thích văn chương, cũng có tư
tưởng, đã xem được vài chục bộ tiểu thuyết Tây, đã viết được ít nhiều văn quốc ngữ”;
nên dù kín đáo, nàng vẫn để lộ cá tính của mình: “Cô Lan là người con gái đẹp nhất xóm
(…), nhưng phải tính hơi kiêu một chút, cách cư xử ăn nói, tiếp đãi thì rất là lễ phép dịu
dàng nhưng vẫn ngụ một cái ý ngạo đời” [11, tr.55]. Tiên thiên, nàng lại giàu tình cảm,
dễ xúc động. Tố Tâm vì cảm thơ văn của Đạm Thủy mà đã yêu chàng từ lúc còn “chưa
biết người biết mặt”, yêu bởi “tâm tình tự nhiên”, “biết yêu là yêu”. Thiếu Sơn cho rằng
Hoàng Ngọc Phách đã “cắt đứt thẳng thừng với cổ truyền”, bởi vì, nhà văn đã miêu tả
tình yêu của Tố Tâm và Đạm Thủy đối lập hoàn toàn với quan niệm tình yêu và hôn
nhân của giai cấp phong kiến. Họ yêu nhau vì sự rung động của trái tim, vì hạnh phúc cá
nhân, chứ không theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Đạm Thủy và Tố Tâm đã yêu nhau say đắm như hai thanh niên của thời đại mới.
Họ không vì đạo lý khô cứng mà ứng xử bất cận nhân tình với nguyện vọng của trái tim.
Nhất là Tố Tâm, nàng đã dũng cảm vứt bỏ lòng tự ái, bước qua thành kiến để thổ lộ tình
yêu với Đạm Thủy: “Lòng em yêu mến anh là thế mà em vẫn phải nén lòng một cách khổ
sở. Nhiều lần anh sơ ý để em hiểu rõ lòng anh, em tưởng như giá anh hở ra một câu thì
em vái anh mấy vái” [11, tr.75]. Khi bàn chân của Tố Tâm vô tình đặt lên chân của Đạm
Thủy thì chứng tỏ“ái tình nàng đã mạnh lắm rồi”. Hai con người từ chỗ kín đáo, e dè đã
trở nên quyến luyến: “Thư từ không thể làm nguôi được nỗi nhớ thương, phải gặp mặt
nhau, phải trông thấy nhau, phải cùng nhau trò chuyện để nghe những giọng cười tiếng
nói của nhau mới yên dạ” [11, tr.79]. Táo bạo hơn, họ làm cả “những chuyện bất
thường” như cùng nhau tắm bể ở Đồ Sơn và về đồng quê bắt châu chấu. Thế mà, chỉ vì
mối lương duyên đã được định trước cho Đạm Thủy, tình yêu của Tố Tâm bỗng trở
thành “ái tình vô hi vọng”:“Nàng vì yêu tôi mà không thể rời tôi, nàng cũng vì yêu tôi mà
không chịu lấy tôi” [11, tr.89]. Tố Tâm trở thành nạn nhân đáng thương, phải “chịu nỗi
chua xót một mình” của chế độ hôn nhân sắp đặt. Cưỡng lại tình thế đó là việc nằm ngoài
khả năng của nàng: “những chuyện đời dính dáng chung quanh anh, em không thể nghĩ
đến”. Song, không phải vì thế mà nàng từ bỏ, nàng quyết sống chết với tình yêu: “đã đem
lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh”, “về sau nữa em phó mặc khuôn thiêng” [11, tr.76].
So với Đạm Thủy, Tố Tâm nhất quán hơn trong việc bảo vệ tình yêu của mình. Dù Đạm
Thủy đã lấy hết tài ngôn luận rao giảng đạo đức, khuyên nàng xuất giá, nàng cũng chỉ
mỉm cười mà trả lời một câu vắn tắt nửa thực nửa đùa rằng:“Em không muốn lấy
chồng...” [11, tr.90]. Đạm Thủy thuyết giáo không xong, xoay qua nói chuyện tình cảm,
thì Tố Tâm khóc: “Em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa” [11, tr.91]. Nàng
không ngại thú thật cùng chồng: “tôi xin thưa thực cùng, cõi lòng tôi đưa gửi cho Đạm
Thủy đã ba bốn năm nay rồi (…) Tôi về hầu cậu là bởi tôi vâng lời mẹ tôi lúc vạn tử nhất
sinh, tôi thương mẹ tôi không dám trái lời thành để thiệt đến cậu… Tôi chỉ khiến được
lòng kính trọng mà không khiến được lòng yêu” [11, tr.131] Lời thú thực này cho thấy