Page 99 - Khoa Sư Phạm | Kỷ yếu hoạt động khoa học Khoa Sư phạm 2016 - 2020
P. 99
94
phải hành dịch cho xã hội” [15, tr.423]. Trên đây là toàn bộ diễn ngôn truyền thống
hướng tới chủ đích bảo vệ chế độ gia đình, bảo vệ luân lý đạo đức khỏi “ngả nghiêng”
trước sự xâm lấn của văn hóa, tư tưởng phương Tây hiện đại, là chủ đích viết Tố Tâm của
tác giả. Song dù vậy, độc giả đã tiếp nhận Tố Tâm theo một chiều hướng ngược lại.
4.2.2. Tiếp nhận của độc giả và diễn ngôn về cá nhân
Tố Tâm ra đời trong thời điểm xã hội Việt Nam đang đổi thay từng ngày. Cuộc
khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi
nước ta về nhiều mặt. Sự ra đời của giai cấp tư sản và tiểu tư sản đã dẫn đến sự xuất hiện
con người cá nhân với yêu cầu giải phóng cá tính, đòi quyền sống riêng. Trong xã hội
diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai khuynh hướng tiến bộ và bảo thủ, giữa lối sống
của lớp trí thức thị dân ngày càng Tây phương hoá với lối sống phong kiến bảo thủ. Theo
Trần Đình Hượu, Nho giáo đề cao “đức” và “tính”, cái mà họ né tránh và lo sợ là “tài” và
“tình”. Mục đích viết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách nhằm giáo huấn thanh niên đặt bổn
phận trên ái tình, để chăm lo cho gia đình, dù điều đó đi ngược với lẽ tự nhiên của con
tim. Nhưng như đã nói ở trên, Hoàng Ngọc Phách “có tâm trồng hoa, hoa không nở / vô
tâm cắm liễu, liễu xanh cành”, ông không ngờ mình đã viết nên một bản tình ca ngoài lễ
giáo, ca ngợi tình yêu, đòi tự do cho cá nhân, khiến cho độc giả “nhận thấy cái sự khốc
hại của nền luân lí trong xã hội nước nhà”, nhận thấy tác giả “đã đả phá giá trị cổ
truyền” [3, tr.45].
Tình yêu trong sáng, lãng mạn, với tất cả đam mê của con người cá nhân trong Tố
Tâm, lần đầu tiên xuất hiện giữa văn đàn, đã làm thổn thức bao trái tim của tầng lớp
thanh niên trong xã hội lúc bấy giờ. Rất nhiều bạn đọc đã coi Tố Tâm là sách gối đầu
giường, vì họ tìm thấy ở tác phẩm, khuynh hướng tư tưởng mới phù hợp với yêu cầu về
đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX sau khi đón nhận luồng gió văn
minh từ phương Tây thổi tới. Giải phóng cá tính, tự do trong tình yêu và hôn nhân đang
là nhu cầu bức thiết của giới trẻ, những người đang cảm thấy ngột ngạt trong vòng vây
của bức tường luân lý bảo thủ. Trong bối cảnh đó, Tố Tâm ra đời, độc giả nhận thấy tác
phẩm đang nói hộ mong muốn của họ: “Tố Tâm và Đạm Thủy đã đấu tranh cho tình yêu
tự do, cho cái yêu cầu giải phóng cá nhân của chủ nghĩa nhân đạo vốn đã thành truyền
thống trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” [4, tr.15].
Tố Tâm, nhân vật nữ chính của tác phẩm, đã khẳng định vị trí của con người cá
nhân thông qua tình yêu tự do và cá tính mạnh mẽ trong việc bảo vệ tình yêu của mình.
Từ đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện một số truyện viết về tình yêu nam nữ như Hà Hương
phong nguyệt, Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu. Nhưng phải đến Tố Tâm của Hoàng
Ngọc Phách, thì sự đam mê và những rung động mãnh liệt của cảm xúc cá nhân mới
được thể hiện một cách chân thực và sâu sắc. Tình yêu trong Tố Tâm là tình yêu thuần
khiết, không pha tạp, không gắn với hôn nhân, yêu theo sự thôi thúc của nội tâm, thuận
theo nhu cầu tình cảm của đời sống con người. Hà Minh Đức nhận xét: “Sức hấp dẫn của
tác phẩm là ở những tình cảm xúc động của người con gái lần đầu đến với tình yêu và
đau khổ vì tình… Dòng tình cảm vừa chân tình vừa lãng mạn, thơ mộng bao trùm lên
nhiều trang sách” [4, tr.53].