Page 197 - Khoa Sư Phạm | Kỷ yếu hoạt động khoa học Khoa Sư phạm 2016 - 2020
P. 197
192
cũng đã đưa ra một hệ thống bài tập về cảm thụ văn học ở Tiểu học và những gợi ý, giải
đáp và tham khảo.
Nguyễn Trọng Hoàn trong Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn
chương, NXB Giáo dục, 2001 đã chú ý phân tích những vấn đề quan trọng trong rèn
luyện tư duy sáng tạo cho người học trong dạy học văn học, đã xác định đúng đắn rằng
giải quyết mối quan hệ giữa cảm thụ nội dung tư tưởng tác phẩm văn học và hình thức
nghệ thuật của tác phẩm văn học là một cơ sở quan trọng của giáo dục người học khả
năng tiếp nhận văn học. Đọc - hiểu và cảm thụ đều là những hoạt động thâm nhập vào tác
phẩm văn chương. Chúng có sự tác động qua lại, thống nhất nhưng không đồng nhất. Có
thể nói từ đọc - hiểu đến cảm thụ là một tiến trình chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật. Nếu coi
đọc hiểu là bước khởi đầu, là nền móng thì cảm thụ văn học là bước cuối cùng hoàn
thành quá trình thâm nhập một văn bản nghệ thuật. Đầu tiên là đọc để hiểu nội dung tác
phẩm, nắm bắt các thông tin mà tác giả gửi gắm, nhận diện các yếu tố nghệ thuật đã được
sử dụng nhằm chuyển tải thông tin tới người đọc một cách ấn tượng. Cảm thụ là quá trình
người đọc nhập thân đầy cảm xúc vào tác phẩm, suy tư về câu chữ, hình ảnh, lập luận và
sống cùng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Hiểu và cảm thụ văn bản nghệ thuật thuộc
hai mức độ nông sâu khác nhau: hiểu là việc chạm tới nội dung bề mặt của ngôn từ nghệ
thuật, còn cảm thụ là việc nhận thức được chiều sâu ý nghĩa của văn bản từ những gì mà
ngôn từ gợi ra. Có bốn cấp độ cảm thụ văn học: thứ nhất là cảm thụ ngôn từ: cảm thụ về
ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các biện pháp tu từ; thứ hai là cảm thụ hình tượng: hình
tượng nhân vật, hình tượng tác giả, chi tiết, hình ảnh, kết cấu, không gian, thời gian; thứ
ba là cảm thụ ý nghĩa tác phẩm: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn,
ý nghĩa lịch sử - xã hội, ý nghĩa nhân văn - thẩm mĩ; thứ tư là cảm thụ tư tưởng của tác
giả: tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về con người, xã hội, đạo đức, nghệ
thuật, thẩm mĩ. Cảm thụ văn học là một quá trình tiếp nhận, hiểu, cảm được văn chương,
tính hình tượng của văn chương, đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, đặc trưng phản ánh
nghệ thuật của văn chương một cách sáng tạo. Đó là sự cảm nhận những giá trị nổi bật,
những điều sâu sắc, tế nhị và đẹp đẽ của văn học thể hiện trong tác phẩm. Cảm thụ văn
học là hoạt động thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học bằng nhiều
năng lực tinh thần: tri giác, xúc cảm, liên tưởng, tưởng tượng nhằm phát hiện, khám phá,
chiếm lĩnh bản chất thẩm mĩ của văn chương, tạo được mối giao cảm đặc biệt giữa tác
giả và bạn đọc.
Nguyễn Trọng Hoàn trong cuốn Rèn kỹ năng cảm thụ văn thơ cho học sinh Tiểu
học (NXB Hà Nội, 2002) đã đề cập đến những kĩ năng cảm thụ văn học và nêu một số
yêu cầu và sự chuẩn bị đối với việc cảm thụ văn học. Đồng thời tác giả cũng gợi ý cách
cảm thụ thơ văn, nêu một số phương hướng cảm thụ thơ văn trong chương trình và sách
giáo khoa Tiểu học.