Page 149 - Khoa Sư Phạm | Kỷ yếu hoạt động khoa học Khoa Sư phạm 2016 - 2020
P. 149
144
tự nhiên ở sự hỗn mang, mông muội là biển tăm tối) mà là một nguồn sức mạnh. Về cơ bản
phụ nữ ít tách biệt với tự nhiên hơn đàn ông, giữa tự nhiên và phụ nữ có một sự gắn kết đặc
biệt không chỉ bởi những đặc điểm về giới tính mà còn từ sự tương đồng trong tình trạng bị
lệ thuộc của họ. Sự logic trong quá trình chinh phục, thống trị tự nhiên và áp bức phụ nữ từ
tư tưởng nhị nguyên đã tạo nên sự liên hệ gắn bó mật thiết.
Đa số các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà trở nên bé nhỏ, lặng
thầm, đa đoan trước sự áp chế của tư tưởng nam quyền nhưng họ vẫn mang một vẻ đẹp
kiêu hãnh bởi họ luôn có một nguồn sống, một sự cứu rỗi, bao bọc và chở che từ người mẹ
tự nhiên. Bằng cách nào đó nữ giới luôn thiết lập được mối quan hệ gắn bó với giới tự
nhiên từ đất đai, sông nước, cây cỏ đến thế giới hữu sinh như tôm cá, chim muông... Đối
với họ, tự nhiên không phải là một thế giới lặng câm mà nó luôn có ngôn ngữ riêng, cần
được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu. Từ sự tương đồng về thân phận, nữ giới luôn có một
tình yêu mãnh liệt và sự liên hệ mật thiết với đất đai. Điều này thể hiện trong nhiều truyện
ngắn như: Lúa và Đất, Lúa hát, Giấc mơ, Ngày hội của Lúa, Đất lặng lẽ... Sự gắn bó với
đất đai – nơi mà họ sinh sống khiến họ có thể “nếm vị” bùn đất để hiểu chúng cần gì trong
khi nam giới chỉ coi đất như là một phương tiện để mưu sinh. Bằng một trái tim đa cảm,
tinh tế, người phụ nữ trong Lúa Hát luôn cảm nhận được những chuyển động tinh vi của
giới tự nhiên, từ mùi bùn đất nồng nàn bốc lên từ những cánh đồng, đến mùi thơm lừng của
lúa xanh. Cô chăm bẵm ruộng đồng và lúa má như thể nó là sinh mệnh của mình, cảm nhận
được cái cô đơn của từng nhánh lúa khi chúng mới bén rễ để vỗ về chúng khiến chúng trở
nên xanh mướt. Chị coi lúa cũng như một thực thể sống, hơn thế là lúa cũng chính là sinh
mệnh của chị vì khi nhà chị hết muối ăn, chị cần muối thì chị cũng nghĩ “lúa cũng cần
muối”. Ở đây, Võ Thị Xuân Hà có đề cập đến một lễ nghi nông nghiệp thể hiện sự tôn sùng
“hồn lúa”: “Ở làng tôi có tục rước muối vào đầu vụ lúa. Chọn chín thiếu nữ bê 9 lọ muối đi
vòng quanh đồng, sau đó dâng lên đình làng. Chúng tôi đốt một đống lửa trước sân đình rồi
rắc muối vào lửa. Tôi cũng rắc một ít vào bếp, lấy gio bón ruộng. Lúa xanh và thơm lừng”
[6, tr.148]. Trong nghi thức này, người thực hiện là nữ giới, bởi vì họ lắng nghe và thấu
hiểu được tiếng nói của tự nhiên điều mà nam giới khó làm được: “Con biết nghe lúa thở,
chúng còn hát nữa. Đôi khi con vỗ về chúng, thế là chúng xanh mướt. Con biết nếm vị của
đất, con yêu mảnh đất của con” [6, tr.151]. Jacques Dournes trong Rừng, đàn bà, điên loạn
đã từng nói về sự tương đồng thân phận của lúa và nữ giới. Trong đó lúa được coi là một
cây trồng thuộc giống cái, cũng giống như đất, lúa được coi là nguồn sống của nhân loại:
“ở Đông Nam Á, cây lúa thuộc giống cái, đó là mẹ lúa, người nuôi sống toàn nhân loại.
Người đàn bà thảo mộc đặc hiệu chính là cây lúa” [5, tr.329]. Người Việt miêu tả từng thời
kì phát triển của lúa gắn với tính nữ như lúa đương thì con gái, lúa “có chửa”, nó là một
loài cây có “hồn”, cái hồn đó khiến cho người ta phải kính cẩn giữ gìn để tránh làm phật
lòng cây lúa, để được dồi dào cho các vụ mùa sau... Với những thuộc tính tương đồng đàn