Page 263 - Khoa Sư Phạm | Kỷ yếu hoạt động khoa học Khoa Sư phạm 2016 - 2020
P. 263
cúng, thầy bói vận dụng vào việc tang ma, bói toán, cúng đoán bệnh (tất nhiên là
chỉ mượn một số lời hát, còn giọng điệu, cách hát, động tác đã khác xa “bản gốc”).
Tóm lại, nghệ nhân diễn xướng ot ndrong là những người lao động bình thường.
Trong cộng đồng người M‟nông chưa xuất hiện lớp người riêng biệt, chuyên sống
bằng nghề hát kể sử thi như các nghệ nhân chuyên nghiệp của sử thi Hy Lạp. Diễn
xướng ot ndrong không phải là một nghề, càng không phải hoạt động biểu diễn
kiếm lời. Hiện nay hầu hết các nghệ nhân đều đã lớn tuổi và gần như không còn sức
để hát kể nữa. Những năm 2013, 2014 chúng tôi đã nhiều lần đến xã Đăk Ndrung,
huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông gặp nghệ nhân Điểu Klưt và đề xuất ông ot cho
chúng tôi nghe nhưng ông chỉ hát được vài câu rồi không thể hát tiếp được nữa.
Ông cho biết là mệt lắm, không còn sức để “kéo” nữa. Mỗi lần như vậy chúng tôi
không khỏi băn khoăn nghĩ về một nghệ nhân tài hoa, một “báu vật sống” đang gìn
giữ những giá trị văn hoá tộc người chẳng bao lâu nữa sẽ về với tổ tiên…
Trong cuốn sách Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Võ
Quang Nhơn đã nói, môi trường diễn xướng của sử thi thần thoại luôn kèm theo các
nghi lễ tôn giáo. Về đặc điểm này, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong kho tàng
văn học dân gian các dân tộc ít nguời ở Việt Nam thì chỉ có sử thi của người
Mường và sử thi của người M‟nông là được dùng với ý nghĩa thiêng liêng này.
Trong sử thi của người Mường và người M‟nông có nhiều câu, nhiều đoạn được
dùng để hát kể khi đưa tiễn linh hồn người chết, để bói toán, đoán bệnh. Người diễn
xướng sử thi trong lễ tang ma của người Mường là những ông mo, của người
M‟nông là những bơjâu. Trong khi sử thi của các dân tộc khác như khan của người
Êđê, hơmon của người Bana lại được diễn xướng bởi các nghệ nhân bình thường và
thường được diễn xướng trong lúc vui chơi, rỗi rãi…
Đối với khan Êđê, khi diễn xướng, nghệ nhân chủ yếu chỉ dùng ngôn ngữ và giọng
điệu để biểu đạt nội dung truyện kể, rất ít khi người nghệ nhân dùng động tác nào đó để
mô phỏng cử chỉ, hành động của nhân vật. Tuỳ theo nội dung cụ thể của truyện kể mà
nghệ nhân có giọng kể sao cho phù hợp, nhằm đưa lại hiệu quả nhận thức, thẩm mĩ cao
nhất cho người nghe. Nhìn chung, hát kể khan được tiến hành theo một quá trình khá đơn
giản. Khi bắt đầu, giọng nghệ nhân từ thấp lên cao, diễn tả hết một câu, một ý thì giọng
nghệ nhân ngân dài để ngắt câu, chuyển ý và tiếp đó người nghệ nhân lại trở về giọng kể
như lúc bắt đầu. Nghệ nhân diễn kể khan đã kết hợp được một cách nhuần nhuyễn giữa
hát kể khanvới những sắc thái của điệu hát đối đáp và khóc kể để biểu đạt từng sắc thái
hành động, cảnh ngộ của nhân vật, cảnh sắc thiên nhiên, tiếng chim kêu, tiếng ngựa hí,
tiếng gọi voi… một cách cuốn hút, hấp dẫn người nghe.
Đối với ot ndrong, trước lúc hát kể, nghệ nhân thường tóm tắt nội dung phần
mình sẽ trình bày và giải thích những chỗ khó hiểu cho người nghe. Xong phần dẫn
truyện, nghệ nhân nhấp một hơi rượu cần, đằng hắng lấy giọng, rồi cất cao giọng ot
ndrong. Trong khi hát kể, đôi khi nghệ nhân giơ tay làm điệu bộ để diễn tả hành động
của nhân vật trong truyện.
Khi nghệ nhân hát kể khan, người nghe chủ yếu thấy được sự việc thông qua
giọng hát kể chứ không phải qua những điệu bộ như khi hát kể ot ndrong của nghệ